Trước đó vào sáng 28/2, ông Benedict đã có cuộc gặp chào từ biệt các hồng y hiện diện tại Tòa thánh Vatican. Vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày, ông Benedict đã đi bằng máy bay lên thẳng đến Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của giáo hoàng nằm bên ngoài Roma. Tại Castel Gandolfo, ông Benedict đã ra bancông của dinh thự để chào giáo dân của thành phố và đây cũng là lần xuất hiện cuối cùng của ông với tư cách là Giáo hoàng.
Kể từ 20h tối 28/2 trở đi, ông Benedict chỉ mặc áo chùng trắng, không có mảnh áo khoác ngắn trên vai. Ông cũng không còn đeo nhẫn Giáo hoàng vì chiếc nhẫn này sẽ bị phá hủy, và cũng không mang giày màu đỏ. Cũng kể từ thời điểm này, đội cận vệ Thụy Sĩ tại Castel Gandolfo chấm dứt nhiệm vụ bảo vệ ông Benedict và giao lại trách nhiệm cho đội Hiến binh Vatican.
Ông Benedict dự kiến ở tại Castel Gandolfo vài tháng trước khi về sống trong tu viện của các nữ tu dòng kín trong nội thành Vatican.
Sau khi ông Benedict chính thức từ nhiệm, công luận hiện đang chuyển sang tập trung vào tiến trình bầu tân giáo hoàng. Trong những ngày này, Tòa thánh trống ngôi và dự kiến trong vài ngày tới, Hồng y Nhiếp chính Tarcisio Bertone sẽ chủ trì cuộc họp của Hồng y Đoàn để bỏ phiếu ấn định ngày khai mạc Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới.
Dự kiến 115 hồng y dưới 80 tuổi sẽ tham gia Mật nghị Hồng y lần này. Một số nhà phân tích của Vatican cho rằng Mật nghị Hồng y, được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine bên trong Tòa thánh, có thể bắt đầu sớm nhất là vào đầu tuần tới.
Trong quá trình tham dự Mật nghị Hồng y, các hồng y sẽ bỏ phiếu mỗi ngày 4 lần, 2 cuộc vào buổi sáng và 2 cuộc vào chiều tối. Theo truyền thống, trong các vòng bầu cử, một vị giáo hoàng sẽ được chọn khi có một ứng cử viên giành được đủ 2/3 số phiếu.
Cố Giáo hoàng John Paul II đã từng sửa đổi quy tắc trên như sau: Sau vài vòng bỏ phiếu, nếu không có vị hồng y nào đạt được đa số phiếu 2/3, thì một đa số 50% cộng 1 phiếu có thể được áp dụng. Tuy nhiên, ông Benedict sau đó đã thay đổi quy tắc của cố Giáo hoàng John Paul II và phục hồi truyền thống 2/3 trở lại giống như trước năm 2007.
Đăng quang ở tuổi 78, ông Benedict là một trong những Giáo hoàng cao niên nhất trong lịch sử khi được bầu vào năm 2005. Việc Giáo hoàng thoái vị là điều vô cùng hiếm trong lịch sử khoảng 600 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo công luận đánh giá, ông Benedict sau khi từ chức vẫn luôn được nhớ đến như là một trong những vị giáo hoàng được nhiều người yêu mến nhất./.
Theo TTXVN