Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 28/2/2013 21:58'(GMT+7)

Một nhà tự chia rẽ

Sau những trục trặc “nho nhỏ” về thủ tục pháp lý do phe Cộng hòa dựng lên, Thượng viện Mỹ hôm 26/2 cuối cùng đã bỏ phiếu phê chuẩn cựu Thượng nghị sĩ Chắc Hây-gơ (Chuck Hagel) làm Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ hai của chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma (B.Obama) với số phiếu suýt soát.

Điều này vốn đã được dự đoán từ trước, dựa trên tiền lệ những trận “so găng” giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thời gian qua. Nhưng cái mà người ta nhìn thấy ở đây lại chính là một bi kịch mới của nước Mỹ: “nội chiến chính trị”.


Trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện hôm 26/2, cựu thượng nghị sĩ Hây-gơ đã nhận được số phiếu cần thiết, 58 phiếu, để trở thành Bộ trưởng Quốc phòng sau khi có 4 thành viên đảng Cộng hòa quay sang ủng hộ ông vào phút chót. Nhưng chỉ cách đây ít lâu, lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của nước Mỹ, việc phê chuẩn ứng viên Bộ trưởng quốc phòng đã phải ách lại tại Thượng viện, khi các thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa dùng biện pháp hành chính trì hoãn việc bỏ phiếu. Lý do phe Cộng hòa đưa ra là vì ông Hây-gơ từng phê phán cuộc chiến tranh ở I-rắc, chỉ trích các nhóm vận động hành lang của I-xra-en (vấn đề được coi là “đại kỵ” ở chính trường Mỹ) cũng như việc ông công khai ủng hộ giải pháp ngoại giao với I-ran thay vì có hành động cứng rắn.


Nhưng tất cả những lý do này chỉ là chuyện bề mặt. Lý do chính, giống như trong 4 năm đầu cầm quyền của ông B.Ô-ba-ma, phe Cộng hòa chỉ quan tâm đến ván bài chính trị ngắn hạn của mình, cụ thể là làm sao gây khó khăn và làm cho Nhà Trắng bị mất mặt.


Trên thực tế, đấu đá vốn là một trong những đặc trưng của chính trường Mỹ. Nhưng chưa bao giờ chia rẽ nội bộ lại sâu sắc, quyết liệt đến vậy. Thậm chí, dấu ấn 4 năm đầu của Tổng thống B.Ô-ba-ma được nhớ tới cũng chính là những lần đối đầu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở quốc hội hơn là những đạo luật và quyết sách được thông qua. Sự chia rẽ lưỡng đảng sâu sắc tới nỗi, thượng nghị sĩ Mắc Con-nen (McConnell) đã từng tuyên bố thẳng thừng vào năm 2010 rằng: Mục tiêu tối thượng của đảng ông là biến ông B.Ô-ba-ma trở thành tổng thống một nhiệm kỳ. Kết quả là, hai năm cuối trong nhiệm kỳ đầu của B.Ô-ba-ma, chính quyền gần như tê liệt bởi đảng Cộng hòa, nắm đa số ở Hạ viện, đã phủ quyết hầu hết các quyết sách của Tổng thống.  


Sự chia rẽ giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ được cho là bắt nguồn từ những mâu thuẫn về lý tưởng, giá trị xã hội và chính sách công. Nhưng trên thực tế, hoặc chính xác hơn, mâu thuẫn đó bắt nguồn từ những toan tính khác nhau về lợi ích cục bộ giữa hai đảng. Đó là những thỏa thuận mật nơi “cửa sau” của các nhóm vận động hành lang, là lợi ích béo bở có được từ mỗi một quyết định dựa trên chính sách đối ngoại, là sự phụ thuộc vào tỷ lệ đồng bạc xanh được chi ra trong mỗi kỳ bầu cử, là sự ủng hộ của những cử tri được “bảo kê”….


Mỗi một chính sách được đưa ra Quốc hội Mỹ để phê chuẩn, thì phản đối hay thỏa hiệp, ngoài việc dựa trên sự “đong, đếm” lợi ích của hai bên, còn là lá bài để hai phe mặc cả với nhau. Chẳng thế mới có chuyện phe Cộng hòa thà chấp nhận cắt giảm ngân sách liên bang chứ không chấp nhận tăng thuế đối với người giàu, vốn  xưa nay vẫn được coi là chỗ dựa về chính trị và tiền bạc của họ. 


Cũng tương tự, phe Dân chủ lại kiên quyết không bỏ trợ cấp thất nghiệp, “bảo vệ” những cử tri bình dân trung thành của họ cho dù phải chấp nhận một cái giá nào đó. Cũng chính vì những toan tính như thế, người ta mới được chứng kiến cú cứu bóng trên vạch vôi, giúp cho nước Mỹ tránh được “vách đá tài chính” đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi trở lại vòng xoáy suy thoái mới vào phút chót. Có lẽ, khi không còn lựa chọn nào khác, các nghị sĩ Cộng hòa mới chịu thỏa hiệp về một giải pháp tạm thời với các “đồng nghiệp” Dân chủ.


4 năm trước, B.Ô-ba-ma (B.Obama) - vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ tuyên thệ nhậm chức với lời hứa sẽ đem hai đảng trở lại ngồi cùng chiếc bàn vì hòa bình và thịnh vượng cho nước Mỹ. 4 năm sau, cuộc chiến Dân chủ - Cộng hòa, khơi mào từ nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Bu-sơ (Bush) tiếp tục leo thêm những nấc thang căng thẳng mới sau khi ông B.Ô-ba-ma tái cử. Ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ B.Ô-ba-ma, giới lãnh đạo Cộng hòa, dưới sức ép và sự cổ vũ của nhóm cử tri bảo thủ và giới truyền thông cánh hữu, đã quyết định phản đối và cản trở mọi quyết định của chính quyền B.Ô-ba-ma. Bắt đầu từ việc chống phá quyết liệt một số đề cử nội các cho nhiệm kỳ hai của ông B.Ô-ba-ma và được dự báo sẽ còn bộc lộ rõ trong các vấn đề tăng trần nợ, kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống phúc lợi xã hội, vấn đề nhập cư…


Nhưng như thế nước Mỹ được gì?


Thời gian gần đây, người ta bắt đầu nhắc nhiều đến thuật ngữ “sự suy yếu của siêu cường Mỹ”. Nhìn nhận một cách khách quan, sự suy yếu này bắt đầu từ ngay chính những mâu thuẫn nội bộ.


Rõ ràng, với thực trạng chính trường Mỹ như hiện nay, việc thông qua những mục tiêu dài hạn dường như là không thể. Sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng, vốn đã từng hạn chế việc cải thiện hàng loạt những vấn đề cốt tử của nước Mỹ, nay đe dọa cản trở phần lớn chương trình nghị sự của chính quyền B.Ô-ba-ma trong những năm tới, cả về đối nội và đối ngoại.


Trong khi đó, Oa-sinh-tơn đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc. Đó là cuộc thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng cùng những lời đe dọa liên tiếp về chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên. Đó là cuộc tranh chấp Xen-ca-cư/Điếu Ngư ngày càng căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc mà nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là sự trỗi dậy của Trung Quốc - hòn đá tảng trên con đường quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Đó là nền kinh tế chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm nào với nạn thất nghiệp ngày càng tăng cao. Cộng thêm các điểm nóng ở Biển Đông, Trung Đông và Bắc Phi cùng cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc… Việc không thể đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng trong các chính sách đối nội và đối ngoại sẽ  là một trở ngại cho Oa-sinh-tơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng, thách thức việc duy trì vị trí của siêu cường trên bản đồ chính trị thế giới.


Vụ trì hoãn đề cử Bộ trưởng quốc phòng của Tổng thống B.Ô-ba-ma là một đòn cảnh cáo nhẹ mà những người Cộng hòa chủ ý gây ra nhằm khẳng định "quyền lực" của họ trên chính trường nước Mỹ, cho dù Tổng thống là người của đảng Dân chủ. Nó chỉ là phần nổi của tảng băng chia rẽ giữa hai đảng, dù chính quyền và Quốc hội Mỹ đều biết rằng, điều này sẽ mang lại những hệ lụy tiêu cực cho quyền lợi chung của chính nước Mỹ. 


Sẽ là ảo tưởng nếu đặt ra đòi hỏi về sự đoàn kết, điều mà không ít chính trị gia của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa luôn hô hào bằng lời nói nhưng lại không sẵn sàng bằng hành động. Nhưng những thỏa hiệp là có thể! Vì lợi ích của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, để Mỹ có thể vượt qua cơn suy thoái kinh tế trầm trọng, món nợ quốc gia khổng lồ và các thử thách về chiến lược và an ninh toàn cầu./.

(Thu Trang/QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất