Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tối 2/5, tại Nhà Văn hóa
Quân khu 5, Cục Chính trị Quân khu 5 phối hợp với Hội Cựu Chiến binh
thành phố Đà Nẵng và VTV Đà Nẵng tổ chức Chương trình giao lưu "Sáng mãi
Điện Biên."
Tham gia Chương trình giao lưu có 10 cựu chiến binh đã từng tham gia
chiến dịch Điện Biên Phủ, các cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, đoàn
viên thanh niên lực lượng vũ trang Quân khu 5 và đại diện Đoàn thanh
niên Đà Nẵng.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Thiếu tướng Trần Quang Phương, Bí thư Đảng
ủy, Chính uỷ Quân khu 5 đã ôn lại những giá trị lịch sử của chiến thắng
Điện Biên Phủ 60 năm về trước và những chiến thắng của quân và dân Quân
khu 5 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã góp phần chung vào chiến
thắng vĩ đại của dân tộc.
Tại buổi giao lưu, các cựu chiến binh Điện Biên Phủ đã cùng chia sẻ, ôn
lại những kỷ niệm của một thời gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Hoạt
động phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ tại chiến trường Liên khu 5
là một trang sử vàng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên quê hương
khúc ruột miền Trung.
Thực hiện chủ trương phối hợp với chiến trường chính, từ tháng 12/1953,
Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã đưa quân chủ lực lên Tây Nguyên, nhằm “buộc
địch phân tán lực lượng, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, kéo địch về những
địa bàn có lợi cho ta để tiêu diệt,” không cho địch có điều kiện chi
viện cho Điện Biên Phủ.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu (13/3/1954), ở Liên khu 5, Trung
đoàn 803 vượt đường 19 tiến vào Nam Tây Nguyên, tập kích, tiêu diệt
địch, tấn công những chốt điểm phòng ngự của địch trên các đường huyết
mạch.
Khi ở Điện Biên Phủ, lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm
De Castries, thì ở Tây Nguyên, lực lượng vũ trang Liên khu 5 đã lập một
chiến công vang dội, đó là trận đánh của Trung đoàn 94 - Trung đoàn chủ
lực thứ 3 của Liên khu 5 vừa mới thành lập ngày 1/5/1954, chặn đánh
đoàn quân Pháp trên đường 19, tiêu diệt và bắt sống gần 2.000 tên
địch./.
KT