Hội thảo khoa học về ''Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ,'' do Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Bạc Liêu tổ chức đã diễn ra sáng nay (27/4).
Hội thảo lần này nhằm đánh giá rõ hơn về thực chất của đờn ca tài tử Nam Bộ, nhận diện rõ về giá trị của Đờn ca tài tử Nam Bộ để có giải pháp bảo tồn và phát huy loại hình này trước cộng đồng và cam kết với thế giới.
Các tham luận của đại biểu đã đi sâu phân tích Đờn ca tài tử Nam Bộ, những quan niệm về lối chơi, bài bản, phong cách trình tấu âm nhạc xưa và nay; quá trình hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ; những yếu tố khác biệt giữa cải lương và Đờn ca tài tử Nam Bộ; những đặc trưng và tính khoa học của 20 bài bản tổ trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; những giá trị đặc trưng và phong cách địa phương trong Đờn ca tài tử Nam Bộ; từ ''Dạ cổ hoài lang'' đến ''vọng cổ'' - bước đột phá nghệ thuật; sự biến đổi và sức sống của Đờn ca tài tử trong cuộc sống đương đại...
Lịch sử ghi lại rằng từ những thập niên giữa và cuối thế kỷ 17, những đoàn người hướng về phương Nam trong hành trang mang theo có cả những âm điệu quê nhà. Sự thay đổi của phong thổ, đất đai cùng sự hào phóng của thiên nhiên nơi vùng đất mới đã làm thay đổi tính cách những lưu dân, họ trở nên cởi mở hơn, thoải mái hơn. Dần dần, hình thành nên tính cách phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình của những người dân phương Nam; hình thành nên văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn và hòa quyện trong giao thoa của nền văn hóa cộng cư Kinh, Khmer, Hoa…
Cùng với đó, một loại hình nghệ thuật mới ra đời trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế, nhạc lễ Nam Bộ, cùng những điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng, đó là Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Để giúp họ vơi đi nỗi nhớ cố hương, bớt đi sự vất vả cực nhọc, hiểm nguy, những lưu dân vùng đất mới khao khát một loại hình nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu tinh thần. Chính vì vậy mà Đờn ca tài tử được đông đảo người dân hấp thụ và sáng tác, sáng tạo.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử mang đậm hồn tính phương Nam là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Nam Bộ không thể trộn lẫn. Bản sắc ấy là nền tảng tinh thần, động lực trực tiếp, sức mạnh nội sinh giúp người Nam Bộ chiến thắng thiên tai, địch họa và giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi sinh cơ, lập nghiệp, gây dựng cơ đồ…
Bản sắc văn hóa ấy đã tưới tắm làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ người dân Nam Bộ và bồi đắp cho mối cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt.
Ở Festival này, lần đầu tiên một không gian Đờn ca tài tử được tạo dựng là nơi giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sỹ và người mộ điệu cả nước; là diễn đàn trao đổi, bàn luận về trách nhiệm bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm thực hiện chủ trương 7 điểm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Festival còn là chuỗi sự kiện với tâm điểm là tôn vinh, quảng bá nhằm làm cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được hội tụ và tỏa sáng.
Khi Đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa phi vật thể của cả thế giới, Bạc Liêu đăng cai tổ chức một Festival về nghệ thuật Đờn ca tài tử nhằm khẳng định một cách mạnh mẽ sự quyết tâm bảo tồn, phát huy những giá trị quý báu của văn hóa truyền thống dân tộc, thông qua một lễ hội đậm sắc màu nghệ thuật.
Sự “khuấy động” này là cần thiết bởi bảo tồn, gìn giữ không thể chỉ nói bằng lời mà phải có hành động cụ thể, thiết thực để thu hút sự chú ý của cộng đồng trong và ngoài nước, từ đó mới có sự chung tay góp sức của cả thế hệ hôm qua, hôm nay và tương lai.
Đó là những điểm nhấn của các tham luận trình bày tại Hội thảo, qua đó cho mọi người thấy rõ, hiểu biết sâu hơn về bản chất của nghệ thuật Đờn ca tài tử, để cả nước cùng chung tay triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, giúp cho loại hình nghệ thuật độc đáo này có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, nhân dân Việt Nam và cả nhân loại./.
Theo Vietnam+