Quyết liệt chống tham nhũng
Các
văn kiện Nghị quyết của Đảng từ nhiều Đại hội trong thời kỳ đổi mới
thường xuyên nhấn mạnh vấn đề tham nhũng đã trở thành quốc nạn, là vấn
đề rất đáng lo ngại vì nó thách thức sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh
của Đảng, nó gắn liền với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên.
Nhận
thức rõ vấn đề này, Đảng ta từ nhiều đại hội, đặc biệt là Đại hội XII,
công cuộc chống tham nhũng do Đảng ta phát động được đặt ra một cách
quyết liệt, triệt để. Nhiều tuyên bố của Đảng, thông qua người đứng đầu
là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: chống tham nhũng phải huy
động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng
vào cuộc. Và thông qua chống tham nhũng làm cho đội ngũ của Đảng được
sàng lọc, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được chỉnh đốn, dẫn đến năng lực
lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được giữ vững.
Bàn
về vấn đề này, GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung
ương cho rằng, việc chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng trong cuộc chống tham
nhũng là có cả một hệ thống. Nhất là Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa
thành các đạo luật như một công cụ pháp lý quan trọng để phòng, chống
tham nhũng. Từ Pháp lệnh chống tham nhũng, trở thành Luật phòng chống
tham nhũng gắn liền với thực hành tiết kiệm.
Gần đây nhất là từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết
Trung ương sau Đại hội đến nay, chúng ta càng thấy một đường hướng rõ
nét và nhất quán cả về quan điểm, nguyên tắc, phương pháp hành động,
cách thức tổ chức chỉ đạo của Đảng trong cuộc chiến đấu quyết liệt này.
Sinh
thời, Bác Hồ thường nêu cao vấn đề: Ra sức thi đua tiết kiệm, chống nạn
tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Bác coi chống lãng phí, tham ô
gắn liền với chủ nghĩa cá nhân như một thứ giặc nội xâm. Việc chống tham
nhũng quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta chính là chống vào giặc nội
xâm nguy hiểm này mà sâu xa là chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện ở lợi ích
nhóm, mưu lợi cho cá nhân hoặc cho nhóm mà quên đi hoặc cố tình quên đi
lợi ích chung của xã hội, của nhân dân.
“Chống
tham nhũng gắn liền với chống quan liêu, tức là bệnh của thể chế, bệnh
trong bộ máy nhà nước, thậm chí trong bộ máy của Đảng, trong các tổ chức
của hệ thống chính trị từ Mặt trận đến đoàn thể nhân dân; bệnh quan
liêu hóa, hành chính hóa, mệnh lệnh, xa dân, lời nói không đi đôi với
việc làm. Có khi miệng nói gần dân nhưng hành động thì xa dân, thậm chí
nhiều khi lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân, những biểu hiện lạm
quyền, lộng quyền, lợi dụng chức quyền để đưa người thân, người nhà vào
bộ máy, trong khi những người thực đức, thực tài thì không có cơ hội để
xuất hiện; lợi dụng chức quyền để vun vén lợi ích cá nhân, làm giàu bất
minh bất chính”, GS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Có
thể thấy, cuộc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng không kém phần gian
nan, khó khăn và phức tạp vì biểu hiện của nó muôn hình vạn trạng.
Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cũng cho rằng, việc chỉ đạo,
lãnh đạo của Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lần
này đã tạo một hiệu ứng xã hội rất rộng lớn, đáp ứng được lòng mong mỏi
của nhân dân, thuận với ý nguyện của nhân dân và đó cũng là điều tất yếu
để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Công cuộc chống giặc
nội xâm cũng đã tạo ra xung lực để thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt
Nam phát triển hơn, hiệu quả hơn, có độ tin cậy của bạn bè quốc tế hơn
về chính thể của Việt Nam.
Nhất quán giữa nói và làm
Thông
qua hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất, thời gian qua, Ủy ban Kiểm
tra Trung ương đã đưa ra công luận tất cả sự việc bê bối của nhiều tổ
chức, cán bộ; đưa ra những hình thức xử lý kỷ luật, đồng thời chuyển
sang cơ quan Nhà nước để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo quy
định.
Nhiều
vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ
điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật,
trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán
bộ nghỉ hưu có vi phạm.
Trong
năm 2017 và những ngày đầu năm 2018, việc đưa một loạt đại án lớn, như
vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh
Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam
(PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ Trịnh Xuân Thanh
và đồng phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí
Việt Nam (PVP Land); hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… cùng với
những bản án đã được tuyên được nhân dân đồng tình ủng hộ.
“Như
vậy chúng ta đã rất nhất quán giữa nói và làm, giữa mục đích, động cơ
với phương pháp tiến hành và cả các quan điểm, nguyên tắc được thực hiện
rất nhất quán, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, càng không có
chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con”, “hạ cánh an toàn”. Xử lý cả
những người đương chức và những người đã nghỉ hưu. Nếu qua kiểm tra,
giám sát mà phát hiện dấu hiệu sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm túc”, GS.
Hoàng Chí Bảo nói và nhấn mạnh quyết tâm này rất hợp với lòng dân và hợp
với xu thế phát triển chung của thế giới hiện đại.
Nguyên
Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, trong việc lãnh đạo, chỉ
đạo cuộc chiến đấu chống tham nhũng lần này theo tinh thần Nghị quyết
Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đưa ra quyết tâm phải tăng cường giáo
dục, nâng cao nhận thức của cả xã hội, giáo dục ý thức trách nhiệm, nhất
là ý thức trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu; các cơ quan
quyền lực của Nhà nước và nhất là phải thường xuyên tăng cường việc kiểm
soát quyền lực để không có những kẽ hở, những lỗ hổng cho những kẻ lợi
dụng những sơ hở đó để làm những điều bất minh, bất chính, mưu cầu lợi
ích cá nhân.
Câu
nói của Tổng Bí thư: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải
cháy” cho thấy quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý vấn
đề này đến nơi đến chốn. Thể hiện rất rõ qua việc tổ chức chỉ đạo, thực
hiện của Đảng, từ Nghị quyết Đại hội đến Nghị quyết Trung ương, gắn liền
với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng kể cả chính trị, tư tưởng tổ chức,
nhất là xây dựng Đảng về đạo đức. Bởi vì Đảng trong sạch vững mạnh từ
đạo đức của đảng viên, mà đã là đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên
thì đương nhiên phải xa lạ với tham nhũng.
Cho
nên đấu tranh chống tham nhũng không chỉ dùng sức mạnh của pháp lý mà
còn dùng sức mạnh của dư luận xã hội, dùng sức mạnh của đạo đức, lấy cái
tốt át đi những cái xấu xa, thoái hóa, hư hỏng.
Ấn tượng với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII: “Mọi
cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện,
thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật
chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã
trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa”, GS. Hoàng
Chí Bảo cho biết đây cũng chính là căn dặn tự soi, tự sửa, tự chỉnh đốn
chính mình của người đứng đầu Đảng. Tất cả điều đó đều cho thấy một ấn
tượng tốt đẹp trong Đảng, trong dân dành cho Tổng Bí thư, tức là một sự
nhất quán nói và làm, quyết tâm hành động triệt để, dù phức tạp đến đâu
cũng phải vượt qua, kể cả xử lý cán bộ cao cấp.
“Tất
cả đều lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và
quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Vai trò của người
đứng đầu - Tổng Bí thư thường xuyên thể hiện điều này. Đây là tấm gương
để chúng ta học tập và noi theo, và cũng là một tấm gương được lòng
dân. Trước hết phải trong sạch, làm cho mình phải liêm chính thì mới
trong sạch, liêm chính trong tổ chức và mới thúc đẩy cuộc đấu tranh để
bảo vệ lẽ phải, công lý cho xã hội”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh./.
Kim Anh (VOV)