Ngành y tế nước ta trong những năm qua đạt nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ðáng chú ý, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao; tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế có bước chuyển theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm…, nhờ đó củng cố thêm niềm tin của người dân đối với ngành y tế nước nhà.
Có được những kết quả đó là nhờ công sức, đóng góp của đội ngũ gần 500 nghìn thầy thuốc khắp mọi miền Tổ quốc. Hằng ngày, hằng giờ, những người thầy thuốc luôn hết lòng cứu chữa người bệnh, không ít người trong số đó bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng và những rủi ro ảnh hưởng tới tương lai nghề nghiệp của mình. Thậm chí đã có người ngã xuống khi ca trực chưa kết thúc. Có những thầy thuốc bỏ lại thị thành, nơi điều kiện thuận lợi hơn để đến với người dân vùng cao, hải đảo xa xôi…; những người thầy thuốc chuyên ngành y học dự phòng sẵn sàng lao vào vùng dịch để triển khai các biện pháp phòng dịch cho người dân, sớm tìm ra căn nguyên gây bệnh.
Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) là dịp để mỗi người dân và toàn xã hội bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhận những đóng góp thầm lặng, đầy trách nhiệm của những người khoác trên mình chiếc áo bờ-lu trắng. Ðây cũng là dịp lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, địa phương biểu dương những tấm gương sáng trong đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với họ. Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, đề ra các chế độ chính sách hợp lý, quan tâm đến vật chất, tinh thần, bảo đảm đời sống ổn định cho đội ngũ nghề y, tương xứng với đặc thù công việc; có chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cơ sở khoa học, hợp lý; có chế độ khuyến khích, ưu đãi với cán bộ y tế miền núi vùng sâu xa khó khăn..., sự quan tâm của toàn xã hội chăm lo nâng cao y đức có vai trò rất quan trọng để người bệnh và gia đình họ biết trân trọng tinh thần và lao động của người thầy thuốc trong khám, chữa bệnh. Sự tôn vinh, ghi nhận đó cũng sẽ là điều kiện để đội ngũ những người đang công tác trong ngành y tế ý thức hơn sự cao quý của nghề thầy thuốc, qua đó làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm, hạn chế thấp nhất những sai sót cả về y thuật cũng như y đức; ý thức được niềm tin và sự phó thác của người bệnh.
Chưa kể, lâu nay, thầy thuốc là một nghề chịu nhiều áp lực và rủi ro. Bên cạnh rủi ro do đặc thù công việc, còn có cả nguyên nhân từ tình trạng mất an ninh trật tự tại các bệnh viện có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần làm việc của người thầy thuốc. Chính vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động và phát huy hết sở trường, năng lực chữa bệnh, cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực cũng là một cách tôn vinh thiết thực, hiệu quả.
Dù trong bất kỳ thời kỳ nào, xã hội cũng luôn trân trọng ngành y và tôn vinh những người thầy thuốc. Do vậy, mỗi người thầy thuốc cần không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; không ngừng phấn đấu khẳng định vai trò, nhân cách của người cán bộ y tế Việt Nam, xứng đáng vị thế là một trong hai người thầy được cả xã hội tôn vinh.
Minh Hoàng/Nhân dân