Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính
của Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2018 của
Ban Chỉ đạo này.
Năm 2018, Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách
hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011,
Nghị quyết số 36a/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016, Quyết
định số 609/QĐ-TTg ngày 04/5/2017; tăng cường giám sát, kiểm tra tình
hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng
cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; giải quyết các kiến
nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến cải cách hành chính.
Ban Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện
nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các bộ, ngành, địa
phương; triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực đội ngũ công
chức chuyên trách cải cách hành chính"; tiếp tục đổi mới công tác chỉ
đạo, điều hành cải cách hành chính của Chính phủ; tổ chức kết nối, liên
thông, điều phối, tích hợp, chia sẻ thông tin giữa Văn phòng Chính phủ
với các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông
tin báo cáo quốc gia phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Về xây dựng thể chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện, năm
2018, Ban Chỉ đạo thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và
cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước;
thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp
công lập; hiện đại hoá hành chính.
Cụ thể, năm 2018, Ban Chỉ đạo sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các
văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh
doanh; đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây
dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực
thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và lĩnh vực được xác định trọng
tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.
Ban Chỉ đạo sẽ đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính
tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và giám sát,
kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn; tăng cường kiểm tra việc thực hiện
thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi những quy định về thủ tục không
còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong
quá trình thực hiện.
Ban Chỉ đạo tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các cơ chế,
chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nông nghiệp nông
thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch,
tiếp cận tín dụng; bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công; lý
lịch tư pháp, hộ tịch...; tiếp tục cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm
tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan
hành chính nhà nước; giảm hội họp, đơn giản hóa chế độ báo cáo; xây dựng
nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; thực hiện hiệu quả cơ chế một
cửa, một cửa liên thông và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ
4; xử lý dứt điểm và công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị của
người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Giảm tối thiểu 2,5% biên chế được giao
Ban Chỉ đạo cũng xây dựng kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm
số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử
dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp.
Ban Chỉ đạo cũng xây dựng kế hoạch và giải pháp để giảm tối thiểu 2,5%
số biên chế được giao so với năm 2015; rà soát, hoàn thiện thể chế về
quản lý cán bộ, công chức, viên chức; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy
hành chính nhà nước; thu gọn đầu mối bên trong của các bộ, cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục; giảm đơn vị sự nghiệp công lập
bảo đảm mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2021./.
(TTXVN)