Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Phan Hữu Dật, nhà Dân tộc học hàng đầu Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa qua đời ở tuổi 92.
Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Phan Hữu Dật, nhà Dân tộc học hàng đầu Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa qua đời ở tuổi 92.
Lễ viếng và lễ truy điệu giáo sư Phan Hữu Dật diễn ra sáng 21/4, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Giáo sư Phan Hữu Dật sinh ngày 1/6/1928, nguyên quán tỉnh Thừa Thiên-Huế, sinh sống tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Dân tộc học, tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov, Liên bang Nga (MGU) năm 1961.
Ông nhận bằng tiến sỹ Sử học tại Khoa Lịch sử (MGU) năm 1963 và được công nhận chức danh giáo sư năm 1996, được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
Giáo sư Phan Hữu Dật từng được trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì (1957) và hạng Ba (1964), Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động hạng Ba (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1998), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005) cùng nhiều huy chương và kỷ niệm chương khác.
Hơn nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Phan Hữu Dật đã trở thành một chuyên gia đầu ngành về Nhân học của nước nhà. Trên 100 công trình nghiên cứu đã được công bố của giáo sư Phan Hữu Dật đề cập đến các vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu Dân tộc học.
Ông đưa ra các vấn đề lý thuyết trong nghiên cứu đến việc tổng kết các vấn đề nghiên cứu Dân tộc học ở nước ta; từ Dân tộc học Việt Nam đến các vấn đề dân tộc học trên thế giới; từ văn hóa và phát triển đến yêu cầu đào tạo và nghiên cứu Dân tộc học phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; từ mối quan hệ dân tộc và những vấn đề cấp bách ở nước ta và trên thế giới đến vấn đề dân tộc trong toàn cầu hóa; từ việc đẩy mạnh nghiên cứu các ngành khoa học xã hội- nhân văn đến nghiên cứu ứng dụng…
Những vấn đề nghiên cứu của ông đã đặt nền tảng cho sự phát triển nền Dân tộc học Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên soạn giáo trình “Cơ sở Dân tộc học” (1973) phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy.
Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã tiếp tục đề cập đến những yêu cầu nghiên cứu Dân tộc học theo hướng Nhân học trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới, trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, những công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư Phan Hữu Dật đã đặc biệt chú trọng nghiên cứu, tổng kết về lý luận, chính sách dân tộc ở nước ta trong lịch sử và hiện tại.
Một trong những đóng góp rất quan trọng của giáo sư Phan Hữu Dật là nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, văn hóa và phát triển. Trên 30 công trình nghiên cứu của ông đã bao quát khá nhiều vấn đề trên lĩnh vực này, trong đó có thể coi công trình “Sự phát triển của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong thế kỷ XX” là công trình mang tính tổng kết, có tính lý luận và thực tiễn cao.
Với cương vị là nhà giáo, giáo sư Phan Hữu Dật đã tham gia đào tạo hàng nghìn cử nhân Dân tộc học và Sử học, hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ.
Ông còn trực tiếp giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng như các trường đại học... đồng thời, tham gia giảng dạy các vấn đề dân tộc ở Việt Nam tại một số trường đại học trên thế giới như Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô), Đại học Humbolt (Đức).
Trên phương diện quản lý, giáo sư Phan Hữu Dật còn góp lớn cho sự phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1970-1975), Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (1986-1988), Phó Hiệu trưởng (1977-1981), Quyền Hiệu trưởng (1981-1985) và Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988).
Sau khi nghỉ công tác quản lý tại Trường, Giáo sư Phan Hữu Dật vẫn tiếp tục được cử những trọng trách như Ủy viên Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển Bách khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khoá II.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo sư Phan Hữu Dật đã có những đóng đóp to lớn về học thuật, giảng dạy không chỉ cho Đại học Quốc gia Hà Nội mà còn cả ở tầm quốc gia.
Với cương vị là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giáo sư Phan Hữu Dật đã có những đóng góp lớn, dẫn dắt sự phát triển của nhà trường trong một giai đoạn quan trọng.
Đặc biệt, thầy luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của các thế hệ học trò - đó là phần thưởng quý giá nhất đối với một nhà giáo. Đại học Quốc gia Hà Nội luôn xem những nhà giáo như thầy là chỗ dựa quan trọng, nguồn động viên, cổ vũ và là tài sản quý.
Mãi mãi trong sự phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, của ngành Nhân học và của Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Phan Hữu Dật luôn có một vị trí xứng đáng với tên tuổi và đóng góp của mình./.
Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)