Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Hai, 6/5/2019 9:2'(GMT+7)

Gió đổi chiều

Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu).

Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu).

Khi nhậm chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương vào tháng 5/1953, tướng 4 sao Henri Navarre đã tuyên bố đầy tự tin:“Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ chiến thắng giống như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”. Thế nhưng, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay trên nóc hầm chỉ huy quân Pháp sau trận chiến 56 ngày đêm tại Điện Biên Phủ chỉ một năm sau đó không những đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của Henri Navarre mà còn báo hiệu ngày tàn của chế độ thực dân Pháp trên phạm vi toàn cầu đã đến.

Còn nhớ, sau khi tướng 4 sao Henri Navarre nhậm chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, báo chí Pháp đã tung hô Henri Navarre như một danh tướng có thể “uốn nắn lại tình hình Đông Dương”.

Không phải ngẫu nhiên sau khi hàng loạt tướng lĩnh “lẫy lừng uy danh” của nền đệ tứ cộng hòa Pháp, như: Jean Etienne Valluy, Roger Blaizot, Marcel Carpentier, Jean de Lattre de Tassigny... đều bị chôn vùi sự nghiệp trên cái bán đảo nhỏ bé và nóng bỏng này thì người ta lại đưa Henri Navarre sang thế chân.

Vốn xuất thân là một sĩ quan Trường võ bị Saint-cyr, Henri Navarre  từng là kỵ binh ở Syria, Algeria, Morocco, có nhiều năm lăn lộn trong ngành tình báo Pháp. Trước khi trở thành vị tướng thứ 7 được cử làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Henri Navarre đảm trách chức vụ Tham mưu trưởng Lục quân khối NATO ở Trung Âu.

Với bề dày kinh nghiệm và sự từng trải ấy, Henri Navarre được“chọn mặt gửi vàng” không phải để mở khúc nhạc dạo đầu mà là viết nên “khúc khải hoàn” cho Pháp tại Đông Dương.

Không ai khác, Henri Navarre chính là tổng công trình sư của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vốn được mệnh danh là “một pháo đài bất khả xâm phạm, một tập hợp những gì mạnh nhất, kiên cố nhất chưa từng có ở Đông Dương”,  “một Verdun ở châu Á”.

Cùng xướng lên “bản đồng ca” đầy lạc quan, hàng loạt các tờ báo Pháp như France-Soir, L’Aurore hay Le Monde đều hân hoan như thể chiến thắng đã ở trong tầm tay khi đưa tin về cuộc đối đầu giữa quân Pháp và lực lượng Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Nào là “khắp nơi chúng ta đã giành lại thế chủ động”, “mưa dù xuống Điện Biên Phủ”, hay“cú đánh điếng người của Navarre vào quân Việt”.

Thậm chí tờ Le Monde còn đăng tải bức thư chúc mừng năm mới của Henri Navarre gửi binh lính Pháp ở Đông Dương, trong đó khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “1954 là năm chiến thắng của chúng ta”.

Tuy nhiên, kể từ tháng 2/1954, gió đã đổi chiều khi bắt đầu xuất hiện những “ca từ” lạ trong “bản đồng ca” ấy.

Tờ Le Monde nhận định rằng “người ta đã thổi phồng Điện Biên Phủ”, “tình thế đã thay đổi” và “Điện Biên Phủ là một cái ung nhọt quân sự”.

Thậm chí tờ L’Observateur còn khẳng định “tất cả đều vô ích”, “tất cả đều không làm gì được Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Sự bi quan ấy đã nhanh chóng trở thành hiện thực khi chẳng lâu sau đó, Điện Biên Phủ thất thủ.

Tin thất trận nhanh chóng đến với xứ lục lăng. Thủ tướng Joseph Laniel đăng đàn trước Quốc hội Pháp trong bộ đồ đen, với bộ mặt ảm đạm, nghẹn ngào nói: "Chính phủ vừa được tin khu trung tâm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ kịch chiến liên tục”.

Người Pháp đã giăng “Cái cạm bẫy Điện Biên Phủ” mà theo cách gọi của họ là Lepiège Dien Bien Phu, thế nhưng trớ trêu thay cuối cùng chính họ lại bị “sập bẫy”. 

Trong cuốn hồi ký "Đông Dương hấp hối", chính tướng Henri Navarre phải thừa nhận: Một trong những nguyên nhân khiến thực dân Pháp không thể hiện thực hóa mục tiêu kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trong vòng 18 tháng trong danh dự là vì “sự lạc quan quá đáng” và “đánh giá quá thấp những khả năng của đối phương”./.

Hoàng Vũ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất