Chủ Nhật, 27/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 3/11/2015 15:11'(GMT+7)

Giới thiệu Nghị định 72 về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại

Chiều ngày 2/11/2015, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Họp báo giới thiệu Nghị định 72/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại. Tới dự và chủ trì Họp báo có Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư; Bộ Ngoại giao; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ; cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở T.Ư và Hà Nội. 

Ngày 7/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2015/NĐ-CP qui định về hoạt động thông tin đối ngoại. Đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của Nhà nước nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, trực tiếp là Kết luận 16-KL/TW ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020.

Phát biểu tại buổi Họp báo, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Qui chế 79 quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, công tác này đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào thành tựu thông tin tuyên truyền nói riêng và công cuộc đổi mới của đất nước nói chung. Tổ chức bộ máy hoạt động thông tin đối ngoại bắt đầu được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương được kiện toàn, chỉ đạo, định hướng các hoạt động thông tin đối ngoại trên quy mô toàn quốc. Bộ TT&TT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đã thành lập Cục Thông tin đối ngoại, đơn vị thực thi công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Bộ máy thực hiện công tác thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố từng bước được hình thành và phát triển. Nếu năm 2010 chưa tới 10% các tỉnh, thành phố có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thông tin đối ngoại, thì đến tháng 7/2015 đã có 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thông tin đối ngoại. Các địa phương đã triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình hành động về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013–2020; ban hành các văn bản quản lý và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại. Từ năm 2012 đến nay, 100% tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm và bố trí kinh phí thực hiện.

Hầu hết các bộ, ngành đã tham gia tập huấn, đào tạo kiến thức nghiệp vụ về thông tin đối ngoại; giao đơn vị đầu mối triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại; ban hành Kế hoạch thông tin đối ngoại hàng năm, Kế hoạch thông tin đối ngoại giai đoạn 2015-2017; duy trì và cập nhật cổng/trang thông tin điện tử của các bộ, ngành; biên soạn các ấn phẩm, tờ rơi giới thiệu về bộ, ngành, đơn vị và thông qua các đoàn ra – đoàn vào.

Các cơ quan báo chí đã có các đơn vị báo đài chủ lực thực hiện công tác thông tin đối ngoại bao gồm: Truyền hình đối ngoại VTV4, VTC10; Hệ phát thanh đối ngoại VOV5; Các báo đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam như Báo Vietnam News, Báo Le Courrier du Vietnam, Báo điện tử Vietnam Plus, Báo Ảnh Việt Nam. Hiện có 52 văn phòng thường trú ở nước ngoài của 4 cơ quan, bao gồm Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam.

Mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng phát triển mạnh, đã có gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam trên khắp các châu lục, đóng vai trò quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại ở địa bàn ngoài nước, tại các sự kiện quốc tế và trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Bên cạnh những thành tựu đạt được, thông tin đối ngoại vẫn còn một số tồn tại như: Hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao; sự phối hợp, gắn kết giữa các bộ, ngành, địa phương và lực lượng làm thông tin đối ngoại còn hạn chế; kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại chưa phù hợp và phân tán; nội dung thông tin chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới; các phương tiện báo chí chủ lực cũng chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 72/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, tạo điều kiện để thúc đẩy thông tin đối ngoại tiếp tục phát triển, phấn đấu đạt được những mục tiêu đã đặt ra tại Kết luận 16-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020. 

Bên cạnh việc khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Nghị định còn có một số điểm mới là: Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chủ lực triển khai hoạt động thông tin đối ngoại (Chương III); Quy định đầy đủ những nguyên tắc hoạt động thông tin đối ngoại, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong thời gian gần đây (Điều 3); Đảm bảo kinh phí cho hoạt động thông tin đối ngoại từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác (Điều 5); Quy định các hoạt động thông tin đối ngoại cơ bản để các bộ, ngành, địa phương; các lực lượng thông tin đối ngoại cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay (Chương II); Tăng cường cung cấp thông tin giải thích, làm rõ (Điều 10). Coi đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ và nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam.   

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT đã và đang nỗ lực hết mình nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thông tin đối ngoại; Đôn đốc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh thông tin về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; Tăng cường thông tin đối ngoại thực hiện chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất