Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 28/3/2019 8:1'(GMT+7)

Giông tố trên cao nguyên

Khu vực Cao nguyên Golan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khu vực Cao nguyên Golan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự và kinh tế, Cao nguyên Golan lâu nay vẫn được coi là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa Israel và Syria.

Phần lớn diện tích của cao nguyên này đã bị Israel chiếm đóng sau “cuộc chiến tranh 6 ngày” năm 1967 và tiếp đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình vào năm 1981. Trong khi Syria nhiều lần kêu gọi Israel hoàn trả Cao nguyên Golan, Liên hợp quốc cũng từng ra nghị quyết yêu cầu Tel Aviv chấm dứt chiếm đóng vùng lãnh thổ này.

Việc Israel tuyên bố chủ quyền với Cao nguyên Golan cũng như những phản ứng đáp trả của Syria thực tế không phải điều gì quá mới lạ, mà đã là “chuyện cơm bữa” trong hàng chục năm qua. Có khác chăng là lần này, nước Mỹ, dưới sự chèo lái của ông Donald Trump, sẵn sàng phá bỏ những thông lệ ngoại giao để “xắn tay áo” vào cuộc.

Bước đi ấy cho thấy sự thay đổi trong chính sách kéo dài hàng thập kỷ qua của xứ Cờ hoa đối với vấn đề Cao nguyên Golan nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung, từ vai trò là một nhà trung gian hòa giải tới một người trực tiếp phân định vấn đề xung đột dai dẳng giữa Damascus và Tel Aviv. Bởi, dù là một đồng minh thân thiết của Israel, nhưng các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ vẫn duy trì chính sách cứng rắn về vấn đề này, chẳng hạn như dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama. Khi còn đương nhiệm, ông Barack Obama từng bỏ phiếu ủng hộ tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Israel rút quân khỏi Cao nguyên Golan và trao trả vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này cho Syria. 

Đây cũng không phải là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump tự tin thực hiện một bước đi bất ngờ và gây tranh cãi, đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Đông, điển hình như việc rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hay tuyên bố công nhận vùng đất linh thiêng Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 2017, qua đó thổi bùng mồi lửa xung đột bạo lực giữa những người Palestine và Israel.

Quyết định được đánh giá là “đơn phương” ấy của ông Donald Trump dù nhận được cái vỗ tay từ phía Israel và một vài nghị sĩ Mỹ, song lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước, trong đó có Nga, Syria và ngay cả các đồng minh của Washington tại châu Âu như Đức và Pháp. Trong khi Syria coi động thái của Washington là "đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền của Syria", lãnh đạo Liên đoàn Arab cho rằng, quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng công nhận Cao nguyên Golan thuộc về Israel chứng tỏ một thực tế rằng, cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ giờ đây là hợp pháp hóa những sự chiếm đóng bất hợp pháp.

Người ta còn lo ngại rằng, cách tiếp cận mang nặng phong cách Donald Trump đó sẽ biến thành cái cớ để Israel tiếp tục sáp nhập các vùng lãnh thổ khác mà Tel Aviv đã chiếm đóng từ năm 1967, đồng thời tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, khi một quốc gia nào đó sẵn sàng chiếm đóng lãnh thổ nước khác bất chấp luật lệ quốc tế.

Và phải chăng, chính sách nhất quán lâu nay của nước Mỹ, rằng bất kỳ sự thừa nhận chủ quyền nào cũng phải là kết quả của đàm phán trực tiếp chứ không phải tuyên bố đơn phương, giờ đây đã thay đổi?

Uy tín và vai trò như một nhà hòa giải trung thực của Mỹ đối với những vấn đề nóng bỏng ở Trung Đông vì thế cũng suy giảm. Thậm chí, cái giá cho “sự ủng hộ không giới hạn" dành cho Israel có thể sẽ là viễn cảnh một nước Mỹ phải chấp nhận đối đầu với nhiều quốc gia thuộc thế giới Arab.

Quyết định ngày 25/3 vừa qua của Tổng thống Donald Trump được ví như một món quà giá trị dành cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngay trước thềm cuộc bầu cử tại nước này.

Đáp lại, ông Benjamin Netanyahu phần nào đã đúng khi nói rằng, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ như một “người làm nên lịch sử”.

Thế nhưng, đằng sau những lời lẽ tốt đẹp mà những người đứng đầu hai quốc gia đồng minh dành cho nhau trong cuộc gặp ở Nhà Trắng vừa qua là “điểm nóng” Cao nguyên Golan đang chực chờ phát hỏa, bởi Syria đã tuyên bố quyết đòi lại vùng đất này bằng mọi giá.

Một cơn giông tố mới dường như đã bắt đầu nổi lên ở một vùng đất chiến lược với tài nguyên đất đai và dầu mỏ màu mỡ, và có thể sẽ lan ra cả khu vực Trung Đông./.

Vũ Hùng (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất