Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 23/3/2019 10:9'(GMT+7)

Vấn đề Brexit: Khi phương hướng lung lay

Thủ tướng Anh Theresa May xin gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon cho tới 30/6/2019 - Ảnh: AP

Thủ tướng Anh Theresa May xin gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon cho tới 30/6/2019 - Ảnh: AP

Tính đến tối 21/3, kiến nghị yêu cầu ngừng Brexit và hủy bỏ tiến trình này đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký trực tuyến. Trang mạng của Quốc hội Anh, nơi đăng kiến nghị, đã có lúc bị sập do quá nhiều người cùng vào ký. 

 

Vào lúc 16h15' giờ địa phương (hơn 21h giờ Việt Nam), đã có 1,086 triệu người ký kiến nghị. Bản kiến nghị có đoạn: "Chính phủ liên tục tuyên bố rằng việc rút khỏi EU là ý nguyện của người dân. Chúng ta cần chấm dứt tuyên bố này, chứng tỏ ngay sức mạnh lòng dân, để ở lại với EU". 

 

Con số những người muốn ký kiến nghị gia tăng đột biến vào sáng 21/3, một ngày sau khi Thủ tướng Theresa May đề nghị EU gia hạn thời điểm Brexit. Theo quy định, nếu kiến nghị thu thập được từ 100.000 chữ ký trở lên thì vấn đề sẽ phải được đưa ra quốc hội phải thảo luận. 

 

Ngày 21/3, đại diện các doanh nghiệp và nghiệp đoàn ở Vương quốc Anh đã kêu gọi Thủ tướng Theresa May thay đổi quan điểm trong tiến trình Brexit. 

 

Trong một bức thư chung gửi tới Thủ tướng May, Tổng Thư ký Đại hội Công đoàn Vương quốc Anh - bà Frances O'Grady và người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Vương quốc Anh - bà Carolyn Fairbairn nêu rõ: "Đất nước của chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia. Các quyết định được đưa ra trong những ngày gần đây đã khiến nguy cơ về một Brexit không có thỏa thuận ngày càng tăng cao. Các công ty và các cộng đồng trên khắp Vương quốc Anh chưa sẵn sàng cho kết quả này. Đó sẽ là một cú sốc đối với nền kinh tế Anh và sẽ tác động lên mọi thế hệ người dân Anh". 

 

Bức thư nêu rõ "tránh một Brexit không thỏa thuận là điều tối quan trọng", đồng thời kêu gọi Thủ tướng May lên "kế hoạch B" cho vấn đề này, trong đó bảo đảm các yếu tố "bảo vệ người lao động, nền kinh tế và một biên giới Ireland mở, giữ được đa số trong quốc hội và có thể đàm phán với EU". Đại diện các doanh nghiệp và nghiệp đoàn ở Anh cũng yêu cầu tiến hành cuộc họp với bà May nhằm trình bày những quan ngại của họ cũng như lắng nghe phản hồi từ Thủ tướng Anh.

 

EU TỎ RA THIỆN CHÍ

 

EU đã đồng ý cho phép Vương quốc Anh một quãng thời gian trì hoãn Brexit, nhưng chỉ khi các nghị sĩ Quốc hội nước này bỏ phiếu ủng hộ dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May vào tuần tới.

 

Theo một dự thảo kết luận mà một số cơ quan báo chí có được, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU ngày 21/3 tuyên bố rằng họ chuẩn bị mở rộng Điều khoản 50 về quá trình rút khỏi liên minh cho đến ngày 22/5, để cho Vương quốc Anh có thời gian chuẩn bị cho việc ra đi.

 

Trong ngày 21/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẽ nỗ lực đến phút chót để tìm giải pháp và bảo đảm rằng Anh không rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận.

 

Theo bà Merkel, Đức đang chuẩn bị "các biện pháp cấp bách quan trọng nhất" để đối phó kịch bản Brexit không thỏa thuận. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ làm mọi việc trong thời gian ít ỏi còn lại để đạt được một giải pháp chung gọn gàng".

 

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo nước Anh đang hướng tới kịch bản Brexit không thỏa thuận nếu nghị viện nước này lần thứ ba bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May đã đạt được với các nhà lãnh đạo EU. Ông Macron bày tỏ sự ủng hộ khả năng gia hạn Brexit một thời gian ngắn và mang tính kỹ thuật để tránh gây ra cuộc khủng hoảng lớn trong EU.

 

An Bình/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất