Kể từ cuộc gặp cấp cao liên Triều đầu tiên vào năm 2000, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức 19 vòng đoàn tụ trực tiếp và 7 đợt qua cầu truyền hình cho khoảng 18.800 thành viên của các gia đình bị ly tán do chiến tranh.
Jun Kyu-myung, người đàn ông Hàn Quốc đã bước sang tuổi 86 nắm chặt tay người vợ 87 tuổi của mình nghẹn ngào: “Bà vẫn đẹp lắm. Giờ thì tôi có chết cũng không ân hận”. Đó là lần đầu tiên trong 65 năm qua họ được gặp lại nhau, nhờ chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán bởi chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên.
Trong những tháng ngày hỗn loạn khi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nổ ra, chàng trai Jun Kyu-myung buộc phải xa người vợ yêu quý Han Eum-jeon chỉ 2 năm sau khi làm đám cưới. Kể từ đó, họ chưa một lần được nhìn thấy nhau và cũng chẳng hề có bất cứ liên lạc nào. Giờ đây khi gặp lại trong buổi đoàn tụ các gia đình ly tán, nước mắt cứ thế tuôn trào trên hai khuôn mặt đã đầy nếp nhăn.
Ông Jun Kyu-myung là một trong số 250 người Hàn Quốc mới đây đã vượt qua biên giới để đến Triều Tiên gặp lại người thân sau hơn nửa thế kỷ xa cách.
Kể từ cuộc gặp cấp cao liên Triều đầu tiên vào năm 2000, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức 19 vòng đoàn tụ trực tiếp và 7 đợt qua cầu truyền hình cho khoảng 18.800 thành viên của các gia đình bị ly tán do chiến tranh. Vòng đoàn tụ lần thứ 20 này là kết quả của thỏa thuận mà Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được ngày 25-8 vừa qua nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và tạo cơ hội cho các gia đình ly tán do chiến tranh có cơ hội gặp nhau. Trong đợt 1 diễn ra từ ngày 20 đến 22-10, 389 thành viên của 96 gia đình Hàn Quốc đã được đoàn tụ với người thân tại khu nghỉ dưỡng trên núi Cưm-cang (Kumgang) thuộc bờ biển phía Đông của Triều Tiên. Đợt 2 cũng diễn ra tại địa điểm trên từ ngày 24 đến 26-10, với sự tham gia của khoảng 250 người Hàn Quốc và 188 người Triều Tiên. Những người tham gia cuộc đoàn tụ hầu hết đã ở độ tuổi 80-90.
Cụ ông Koo Sang-yeon, 98 tuổi, là người Hàn Quốc già nhất có mặt trong cuộc đoàn tụ lần này. Ông đã không cầm được nước mắt khi gặp lại hai người con gái là Song-ok (71 tuổi) và Sun-ok (68 tuổi), hiện đang sinh sống bên kia biên giới. 65 năm trước, ông đã để lại hai đứa con gái ở quê nhà tại một tỉnh phía Tây Triều Tiên để tham gia chiến tranh. Lúc chia tay, Koo Sang-yeon nói với các con rằng ông sẽ sớm trở lại, nhưng sau đó ông bị các lực lượng của Mỹ bắt giữ và đưa tới Hàn Quốc. Trong hành trình trở lại Triều Tiên lần này, ông Koo Sang-yeon mang theo hai đôi giày thêu hoa mà cách đây 65 năm ông đã hứa sẽ mua cho hai đứa con nhỏ. Một người con trai của ông Koo Sang-yeon (hiện sống ở Hàn Quốc) chia sẻ, gần như suốt cả cuộc đời làm cha của mình, ông Koo Sang-yeon chưa bao giờ thôi hối hận, bởi trước đây đã không thể thực hiện lời hứa với hai đứa con gái.
Hay như cụ bà Lee Bok-soon, 88 tuổi cũng không giấu nổi sự xúc động trong giây phút ngắn ngủi được sum vầy với cậu con trai Jung Gun-mok (64 tuổi). Ngồi trên xe lăn, bà bật khóc nức nở, ôm chặt lấy con trai mà không thể thốt lên thành lời. “Con trai của mẹ vẫn sống. Đừng khóc nữa, mẹ!”, ông Jung Gun-mok vừa nói vừa lấy khăn lau nước mắt cho người mẹ già nua của mình.
Hầu hết những người tham gia cuộc đoàn tụ đều không thể kìm được nước mắt khi được gặp lại bố mẹ, vợ chồng, con cái sau nhiều năm xa cách. Nhiều người phải đến núi Cưm-cang bằng xe cứu thương, xe lăn, hay phải sử dụng mặt nạ oxy do sức khỏe đã rất yếu. Nhưng dường như với họ, cho dù phải trút hơi thở cuối cùng thì cũng phải hoàn thành tâm nguyện của cuộc đời, đó là một lần được gặp lại người thân.
Theo Hãng tin Yonhap, trong hệ thống dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc có gần 129.700 người được xác định là có người thân bị ly tán ở Triều Tiên, nhưng khoảng một nửa trong số này đã qua đời. Đoàn tụ gia đình đang trở thành một trong những vấn đề nhân đạo cấp bách trên Bán đảo Triều Tiên, bởi những người còn sống thuộc nhóm đối tượng này hầu hết đã ở độ tuổi 80 hoặc già hơn.
Cũng theo Yonhap, do ngày càng có nhiều thành viên thuộc các gia đình bị ly tán qua đời, việc các công dân của hai miền Triều Tiên tìm lại được bố mẹ, con cái hay vợ chồng trong các cuộc đoàn tụ cũng trở nên ít hơn. Có thể trong những cuộc đoàn tụ sắp tới, nhiều người chỉ được gặp lại anh chị em ruột hoặc họ hàng của mình.
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến tranh 1950-1953 kết thúc không phải bằng một hiệp ước hòa bình mà bằng một hiệp định đình chiến. Bởi vậy, sau cuộc tái ngộ ngắn ngủi, những người tham gia chương trình đoàn tụ lại phải chia tay trong nước mắt. Và có lẽ trong giây phút đầy quyến luyến ấy, cả người đi và người ở đều tự hỏi rằng, liệu họ có còn cơ hội gặp lại hay không?./.
Trung Dũng (QĐND)