Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 22/10/2011 9:16'(GMT+7)

Giữ giá cho sản phẩm chăn nuôi

 

Vấn đề bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có chính sách mang tính quyết định giữ giá cho sản phẩm chăn nuôi, để phát triển chăn nuôi bền vững.

Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, dịch bệnh xảy ra nhiều (dịch lợn tai xanh, lở mồm, long móng, cúm gia cầm...). Vì vậy, nhiều gia súc, gia cầm ở các cơ sở chăn nuôi bị tiêu hủy. Song, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi lại chưa kịp thời và chưa thỏa đáng. Các hộ chăn nuôi thiếu vốn sản xuất, phải vay lãi suất cao, không có điều kiện dự trữ nguyên liệu thức ăn. Giá thức ăn chăn nuôi thì tăng liên tục, nên giá thành sản phẩm chăn nuôi cũng tăng cao. Mặt khác, do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán không theo chuỗi, thiếu tính hợp tác giữa các khâu trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là chưa chú ý đến khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đã buông lỏng cho thương lái nên họ thả cửa ép giá người bán và người tiêu dùng. Sự nắm bắt thông tin để xử lý kịp thời của người chăn nuôi cũng bị hạn chế.

Nguyên nhân quan trọng nhất là ngành chăn nuôi chưa được sự quan tâm, chỉ đạo đầu tư đúng mức; chính sách khuyến khích, hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi bị hạn chế, nhiều cơ sở phải giảm quy mô. Sản phẩm sản xuất ra thấp hơn nhu cầu của thị trường (cung thấp hơn cầu). Cung càng thấp thì giá sản phẩm càng tăng, có thể nói giá sản phẩm chăn nuôi cuối quý II và đầu quý III-2011 tăng mạnh và cao nhất từ trước tới nay. Tại các cơ sở chăn nuôi, giá gà ta là 90 nghìn đồng/kg, gà thả vườn 80 nghìn đồng/kg, gà công nghiệp 45.500 đồng/kg, trứng vịt 3.000 đồng/quả; tương ứng tại chợ gà ta là 120-125 nghìn đồng/kg, gà thả vườn 110-115 nghìn đồng/kg và gà công nghiệp là 55-60 nghìn đồng, trứng vịt 3.000-3.500 đồng/quả. Với giá bán này, đã giúp cho các cơ sở chăn nuôi có lãi, họ rất phấn khởi và nhanh chóng khôi phục cơ sở chăn nuôi, mở rộng quy mô, hy vọng chăn nuôi sẽ phát triển tốt, giúp người chăn nuôi bù đắp thua lỗ những năm qua.

Tuy nhiên, khi chăn nuôi có lãi, những người đã và đang nuôi; những người đã bỏ chuồng, kể cả những người chưa chăn nuôi, đua nhau phát triển, không tính toán và dự báo được thị trường, chăn nuôi theo phong trào, đổ xô mua con giống, đến mức không đủ con giống để cung cấp cho người chăn nuôi, dẫn đến giá con giống tăng vọt chưa từng có: Gà công nghiệp một ngày tuổi, nuôi thịt từ 27 đến 28 nghìn đồng/con; gà lông mầu một ngày tuổi từ 10 đến 15 nghìn đồng/con; gà ta một ngày tuổi từ 15 đến 20 nghìn đồng/con; ngan một ngày tuổi từ 25 đến 27 nghìn đồng/con; vịt một ngày tuổi từ 26 đến 28 nghìn đồng/ con.

 Giá thức ăn vẫn tăng và ở mức cao. Tất cả đầu vào, từ con giống, thức ăn đến thuốc thú y... đều tăng, nên giá thành sản phẩm sản xuất trong nước thường cao hơn so với sản phẩm của các nước rất nhiều. Hiện nay, giá thức ăn cho gà con công nghiệp một ngày tuổi tăng lên từ 11,3 đến 11,9 nghìn đồng/kg, gà lông mầu một ngày tuổi: 10,5 - 10,7 nghìn đồng/ kg... nhưng giá bán sản phẩm chăn nuôi tương ứng giảm mạnh còn 7.000 đồng/con gà công nghiệp một ngày tuổi, 6.000-6.500 đồng/con gà lông mầu một ngày tuổi... Trong khi sản phẩm chăn nuôi sản xuất ra tập trung một thời điểm, tăng nhanh nhất là sản phẩm gia cầm, vì có ưu thế quay vòng nhanh, nhất là gà công nghiệp, thì sản phẩm nhập khẩu lại tăng. Vì vậy, nguồn cung cấp sản phẩm chăn nuôi gia cầm tăng vọt, dẫn đến cung cao hơn cầu, dư thừa sản phẩm, thương lái ép giá, người chăn nuôi gà công nghiệp thua lỗ đậm.

Theo số liệu thống kê ngày 1-4 vừa qua, tổng đàn gia cầm: 293.723 nghìn con, số lượng gia cầm sản xuất ra trong nước ước tính quay vòng ba lần bằng 881 triệu 169 nghìn con, khối lượng bình quân 1,8 kg/con, tổng số thịt gia cầm (hơi) khoảng 1.586.088 tấn, tỷ lệ móc hàm 65%, tổng số thịt gia cầm sản xuất ra trong năm khoảng 1.030.967 tấn thịt móc hàm. Riêng gà công nghiệp sản xuất trong nước mỗi tháng khoảng 20-22 nghìn tấn, một năm sản xuất khoảng 240 - 260 nghìn tấn, chiếm từ 24 đến 26% tổng số thịt gia cầm sản xuất trong năm. Sản xuất tập trung ồ ạt, cùng với nhập khẩu tăng vọt, cung cao hơn cầu, dư thừa sản phẩm, thương lái ép giá cả người sản xuất và người tiêu dùng nên giá bán giảm mạnh, dẫn đến thua lỗ.

Ðể khắc phục tình trạng giá sản phẩm chăn nuôi trồi sụt, việc đầu tiên người chăn nuôi hàng hóa không được chăn nuôi tự phát và theo phong trào, chăn nuôi phải có kế hoạch như nghiên cứu nhu cầu của thị trường, luôn nhạy cảm với thị trường, dự báo đúng yêu cầu của thị trường. Phải có kế hoạch và quy hoạch, tính toán giá đầu vào, giá thành sản phẩm sản xuất ra, giá bán, được thị trường chấp nhận, sơ bộ biết lỗ lãi, nhanh nhưng không ẩu, táo bạo nhưng không được liều lĩnh. Nhu cầu thịt gia cầm trong nước hiện nay chủ yếu là gà lai (gà nội lai gà ngoại) và gà ta (gà nội) nuôi thả vườn, chất lượng cao, thịt ngan, thịt vịt, còn thịt gà công nghiệp nhu cầu có giới hạn, chỉ chiếm từ 22 đến 30% tổng số sản phẩm sản xuất ra, nhu cầu này ngày càng giảm, nếu sản xuất và nhập khẩu tăng sẽ tồn dư, tiêu thụ giảm, dẫn tới thua lỗ là không tránh khỏi.

Kinh nghiệm của một số cơ sở và người chăn nuôi lâu năm cho biết, họ tính toán rất kỹ, thường thường khi mọi người bỏ hoặc dừng chăn nuôi, thì họ lại mạnh dạn đầu tư và phát triển, nếu mọi người tập trung tăng quy mô và phát triển mạnh thì họ lại dừng hoặc giảm quy mô, nhằm điều tiết khối lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường phù hợp với yêu cầu. Việc điều tiết thị trường là rất quan trọng, nó mang tính quyết định thành bại của người chăn nuôi, vì vậy những người chăn nuôi cần hợp tác thành một khối thống nhất để giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ và cùng nhau dự báo thị trường, sản xuất đúng, đủ và kịp thời theo yêu cầu của thị trường, tổ chức tiêu thụ sản phẩm tới tận người tiêu dùng, không lệ thuộc vào thương lái, không để thương lái ép giá, hạn chế được rủi ro, chăn nuôi sẽ bền vững hơn. Ðồng thời có những biện pháp giảm giá thành sản phẩm bằng cách: ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới: Chuồng trại bảo đảm ấm về mùa đông, mát về mùa hè, chăn nuôi an toàn sinh học, coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng các loại vắc-xin, nuôi dưỡng; chăm sóc và quản lý tốt đàn gia cầm, thực hiện nghiêm túc quyết định thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ, nhằm nâng cao tỷ lệ nuôi sống, tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp, giảm giá thành sản phẩm. Mặt khác, có biện pháp giảm nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi bằng cách nâng cao các chỉ tiêu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, tăng thuế nhập khẩu, tăng cường kiểm tra, giám sát sản phẩm nhập khẩu và có những biện pháp mạnh ngăn chặn sản phẩm nhập lậu qua biên giới.

Một biện pháp không thể thiếu được, đó là sự quan tâm đầu tư đúng mức và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp về mọi mặt, nhất là chính sách khuyến khích hỗ trợ, mang tính đòn bẩy và tạo mọi điều kiện cho người chăn nuôi yên tâm tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa ngành chăn nuôi nước ta phát triển hiệu quả và bền vững.

TS TRẦN CÔNG XUÂN

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất