Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 19/10/2011 22:45'(GMT+7)

Thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 năm qua hạ tầng giao thông đã có phát triển vượt bậc, bước đầu đáp ứng được nhu cầu giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước trong khu vực.

Mật độ đường bộ đã tăng từ 0,66 km/km2 năm 2000 lên tới 0,77km/km2 năm 2010. Tổng năng lực  vận tải hàng không  tăng từ 6,8 triệu hành khách và 119.600 tấn hàng hóa năm 2000 lên 31,4 triệu hành khách và 590.000 tấn hàng hóa năm 2010.

Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư mới và đưa vào khai thác hơn 13.361 MW công suất nguồn điện, nâng tổng lượng điện sản xuất tăng từ 26,6 tỷ kWh năm 2000 lên 91,6 tỷ kWh năm 2010 tăng 3,76 lần

Mạng lưới các trường đại học và cao đẳng được mở rộng với 414 trường, tăng 261 trường so với năm 2000. Số cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến Trung ương  tăng thêm 300, tổng số giường bệnh tăng thêm  54.400.

Mặc dù  tỷ lệ đầu tư phát triển hạ tầng ở Việt Nam được đánh giá cao  so với các nước lận cận, chiếm 24,5% tổng đầu tư xã hội, bằng 9% GDP, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn  hạn chế so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, mạng lưới giao thông chưa đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh nhưng  chưa bền vững, hệ thống hạ tầng cấp thoát nước chưa đáp ưng được nhu cầu sử dụng cho đô thị và các khu công nghiệp…

Tại buổi làm việc, đại biểu các bộ, ngành liên quan đã thảo luận, cân nhắc lựa chọn thứ tự ưu tiên các hạng mục công trình của từng lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong giai đoạn 5 năm tới.

Các đại biểu cho rằng phát triển kết cấu hạ tầng cần xác định rõ vai trò của nhà nước, nhưng nhà nước sẽ chuyển hướng từ đầu tư trực tiếp sang tạo môi trường, chia sẻ rủi ro với khu vực tư nhân. Việc đầu tư tập cần trung có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và có sức lan tỏa, gắn với bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ cần tiếp tục đổi mới trong việc xây dựng chính sách, đặc biệt là thay đổi  tư duy, có đột phá về cơ chế, về giá về phương pháp thực hiện để có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần cùng tham gia trong  xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Để hoàn thiện Đề án và báo cáo các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát và cấu trúc lại Đề án cho chặt chẽ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc soạn thảo Đề án cần tiếp cận theo hướng đổi mới cơ chế, xây dựng các yếu tố kinh tế thị trường đồng bộ để tạo bước đột phá thu hút các thành phần tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng./.

(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất