Những chiếc loa phường ở Hà Nội tưởng như đã kết thúc sứ mệnh trong thời đại 4.0 nay lại phát huy tác dụng tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
Cùng với nhiều phương tiện truyền thông khác, những chiếc loa ngày ngày phát đi những thông tin, thông điệp quan trọng tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả.
LOA PHƯƠNG "HỒI SINH" MÙA DỊCH
Năm giờ chiều, bà Trần Thanh Mai (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) nhắc chồng cho nhỏ tiếng tivi để còn nghe thông tin trên chiếc loa ở đầu ngõ.
Ngày hai bận, chiếc loa phát thanh truyền đi nhiều thông tin quan trọng liên quan đến tình hình phòng chống dịch trên địa bàn. Kể từ khi Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, bà Mai càng chăm chú theo dõi thông tin từ loa phường.
“Chúng tôi tiếp cận nhiều thông tin hữu ích như lấy phiếu đi chợ mỗi tuần, quy trình đăng ký tiêm vaccine, những ai đang tích cực đóng góp ủng hộ cho công tác phòng dịch tại địa phương, khu vực lân cận có F0, F1…,” bà Mai chia sẻ.
Bà Mai khẳng định vai trò quan trọng của loa phường trong thời điểm này. Khi giãn cách xã hội, ai ở nhà nấy thì loa phường là phương tiện hữu hiệu truyền đạt thông tin nhanh chóng đến nhiều người cùng lúc.
“Những lúc như thế này mới thấy tác dụng của loa phường, đặc biệt là đối với những người cao tuổi không sử dụng mạng internet như chúng tôi. Dù có đang bận làm việc nhà hay trông cháu thì chúng tôi cũng vẫn nắm được thông tin,” bà Mai chia sẻ.
Vào tháng 2/2017, khảo sát của Sở Thông tin Hà Nội cho thấy 90% số người được hỏi cho rằng hệ thống loa phường là không cần thiết. Thành phố đã lên phương án sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh trong các quận, giảm bớt số lượng loa tại các phường.
Thế nhưng, từ khi COVID-19 lần thứ tư bùng phát, những thanh âm thân thuộc từ những chiếc loa phường bỗng quay trở lại, truyền đi những thông điệp hữu ích, được người dân đón nhận.
Chị Lã Vân Anh, Trưởng Ban quản trị Chung cư Sông Nhuệ, tổ 15, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cho hay trong thời gian giãn cách xã hội, cư dân ở nhà nhiều, mối quan tâm lớn nhất của họ là diễn biến của dịch bệnh tại địa bàn và trong thành phố.
“Chương trình phát thanh trên loa phường diễn ra vào khung giờ 9h-10h sáng, 15h-17h chiều, nếu có thông báo khẩn thì chúng tôi phát ngoài khung giờ thông thường. Nội dung phát thanh bao gồm những thông tin do phường cung cấp trên nhóm Zalo,” chị Vân Anh cho biết.
Chị cũng khẳng định các bản tin về dịch được cập nhật kịp thời, giúp cư dân nắm bắt thông tin nhanh hơn, ý thức phòng dịch của từng người dân tăng lên, thậm chí cả trẻ em cũng nhận thức được sự nguy hiểm nếu mắc COVID-19 thông qua việc nghe bản tin trên loa hàng ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hà Đông, tại các phường trên địa bàn, nhiều cụm loa đã được tái hoạt động. Cứ 200-500m sẽ có một loa phát thanh.
“Nhiều phường có nhóm Zalo để truyền tải thông tin đến người dân. Song những người già, những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thể không theo dõi được thông tin trên mạng. Nhờ loa phường, người dân có thể tiếp cận thông tin về dịch bệnh một cách nhanh nhất và ít tốn chi phí nhất. Đối với cơ quan quản lý địa phương, đây cũng là phương tiện tuyên truyền hiệu quả, tiết kiệm,” bà Phương cho hay.
CẢI TIẾN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ LOA PHƯỜNG
Bối cảnh cuộc sống trong đại dịch COVID-19 đã chứng minh chỗ đứng của hệ thống loa truyền thanh, song theo ông Dương Ngọc Thỏa, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phú Lương, cần thay đổi phương thức sử dụng, quản lý loa phường cho hợp lý và hiệu quả, thích nghi với đời sống mới.
“Nhiều cụm loa phường tại địa bàn đã được điều chỉnh, phát thanh vào các khung giờ hợp lý và chắt lọc thông tin chất lượng hơn so với trước kia,” ông Thỏa cho biết.
Phụ trách đài truyền thanh xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, ông Trần Văn Kỳ khẳng định đài truyền thanh cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các quy định của địa phương.
“Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi xây dựng chương trình chuyên đề, bên cạnh bản tin còn xen kẽ các bài hát về công tác chống dịch, các bài viết, bình luận,” ông Kỳ cho biết.
Từ khi dịch bùng phát, loa phát thanh xã Nam Tiến có tăng thời lượng so với trước kia, cụ thể sáng từ 5h30 đến 6h30, trưa từ 11h đến 11h30, chiều từ 14h30 đến 15h, tối từ 17h30 đến 18h30. Ông Kỳ cho hay bà con rất đồng tình với những khung giờ này.
Để đài truyền thanh cơ sở hoạt động hiệu quả hơn, ông Kỳ cũng bày tỏ nguyện vọng được quan tâm hơn về chế độ chính sách. Phụ cấp của cán bộ truyền thanh hiện nay chưa đến 1 triệu đồng/tháng.
Từ khi dịch bùng phát, nhiều địa phương có sử dụng thêm loa kéo để truyền thông đến tận từng ngõ xóm, bà Lê Minh Hồng, Bí thư chi bộ tổ 8, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, cho rằng hình thức này cần thay đổi.
“Loa kéo tiện dụng, dễ di chuyển, song chính vì vậy mà người dân không tiếp nhận được hết thông tin, đầu ngõ nghe được nửa đầu bản tin, cuối ngõ nghe được nửa cuối. Theo tôi, người sử dụng loa kéo chỉ nên đứng ở một điểm cố định, nơi mà loa phường khó tiếp cận, phát trọn vẹn bản tin rồi mới đi nơi khác,” bà Hồng đóng góp ý kiến.
Bà ghi nhận rằng khi dịch bùng phát tại phường Cống Vị, loa phường đã phát huy tác dụng rất tốt, truyền tải thông tin nhanh chóng đến người dân, mọi người nghiêm túc chấp hành và thực hiện hiệu quả các chỉ thị của địa phương như đăng ký tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc...
Trước thực tế có một số loa phường phát các bài hát tuyên truyền xen kẽ trong bản tin để tạo không khí hứng khởi, gây sự chú ý đối với người dân, bà Hồng cho hay: “Chúng ta nên tập trung thông tin chống dịch, phát bài hát lặp lại nhiều quá sẽ khiến người dân nhàm chán.”
Bà cũng góp ý thời lượng phát thanh nên ngắn gọn, súc tích, truyền tải những thông tin cần thiết nhất vào những khung giờ hợp lý để người dân tiếp nhận một cách hiệu quả./.
Minh Thu (Vietnam+)