Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 24/4/2019 14:16'(GMT+7)

Giúp làng nghề thích ứng nhu cầu mới và tiếp tục phát triển

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ  cói. (Ảnh minh họa)

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cói. (Ảnh minh họa)

"Tinh hoa nghề Việt" là chủ đề của Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 26/4/2019 đến ngày 2/5/2019 tại thành phố Huế với sự tham gia của hơn 60 làng nghề, cơ sở nghề thuộc 16 nhóm nghề cùng sự góp mặt của hơn 350 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, nghệ nhân "bàn tay vàng" trong cả nước. Ðây sẽ không chỉ là ngày hội của các làng nghề, mà còn là hoạt động văn hóa - du lịch đặc sắc thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Bởi nhiều năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đáp ứng nhiều nhu cầu của người Việt Nam, từ ăn, mặc, ở, đồ trang sức, vật dụng sinh hoạt,... đến công cụ sản xuất, phương tiện đi lại. Và có thể nói, mỗi làng nghề là một địa chỉ hấp dẫn, không chỉ là nơi tích tụ kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa độc đáo của mỗi cộng đồng được thể hiện cụ thể.

Tuy nhiên gần đây, hoạt động của làng nghề đã và đang nảy sinh không ít bất cập, nhất là khả năng thích ứng với nhu cầu của thị trường. Nhắc đến gốm Cậy (Bình Giang, Hải Dương) nhiều người hẳn vẫn nhớ đây từng là thương hiệu có tiếng. Thời bao cấp và các năm đầu đổi mới, làng Cậy có hơn 100 lò gốm sứ, đem lại công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Bát đĩa, lọ hoa, đồ trang trí,... của gốm làng Cậy được xuất đi nhiều nơi trên cả nước. Nhưng rồi, các lò gốm thưa dần, vì sản phẩm bị cạnh tranh khốc liệt bởi gốm Bát Tràng, sứ Hải Dương, gốm sứ Trung Quốc... Làng gốm nổi danh một thời có lịch sử đến năm trăm năm, giờ chỉ còn vài hộ gia đình giữ nghề. Dù vẫn còn khá nhiều người dân cũng như một số nghệ nhân tâm huyết với nghề song không có gì bảo đảm cho tương lai lâu dài của làng nghề cổ.

Chuyện tương tự như gốm Cậy có thể tìm thấy ở hầu khắp các địa phương. Về gốm, thì có Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), hay nghề làm nồi đất Cổ Ðạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)... Các làng nghề này phần lớn nếu không mai một thì tốc độ thu hẹp hoạt động cũng ở mức đáng lo ngại.

Với nghề đan lát, nếu trước đây là nghề từng phát triển khá mạnh, thị trường rộng mở, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, thì hiện nay nguy cơ mất nghề trải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Ðiển hình như làng nghề mây tre đan Chính Mỹ (Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng), mây giang đan Bình Xá (Thạch Thất, Hà Nội), mây tre đan Quảng Phong (Quảng Xương, Thanh Hóa), các làng nghề đan lọp tép (ở Cần Thơ và Ðồng Tháp)...

Các làng nghề thêu ren như Quất Ðộng (Thường Tín, Hà Nội), thêu Hưng Ðạo (Tứ Kỳ, Hải Dương) và làng nghề rèn, nghề làm giấy truyền thống... phần lớn cũng trong tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, bức tranh làng nghề không phải chỉ một màu ảm đạm. Nếu thời kỳ bao cấp và giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, phần lớn làng nghề đều lao đao thì sau một thời gian, cùng chính sách dành cho sản xuất, kinh doanh thông thoáng, mở cửa giao thương với quốc tế, đã tạo cơ hội cho nhiều làng nghề thật sự ăn nên làm ra.

Các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ như: Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Sơn Ðồng (Hoài Ðức, Hà Nội), Ðồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), Hải Minh (Hải Hậu, Nam Ðịnh),... đều là làng nghề có nhiều tỷ phú. Các làng nghề dệt lụa như Vạn Phúc (Hà Ðông, Hà Nội), Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam), Tân Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)... hoạt động rất hiệu quả.

Nghề đúc đồng có một thời tưởng chừng thất truyền nhưng nay lại hồi sinh nhờ nhu cầu xã hội tăng cao, nhất là sản phẩm đúc đồng mỹ nghệ, đồ thờ như làng Ðại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh), Tống Xá (Ý Yên, Nam Ðịnh)...

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, thuộc 115 nghề được phân loại thành các nhóm nghề như: thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gia dụng, sản xuất nông cụ, sản xuất đồ chơi... Trong những nhóm nghề này, các làng nghề sản xuất nông cụ, đồ gia dụng truyền thống, đồ chơi là nơi gặp nhiều khó khăn nhất. Các khó khăn xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Chẳng hạn, nghề làm nông cụ, rèn dụng cụ gia đình, đồ chơi hay nghề đan chổi, đan rổ, rá, thúng,... bị cạnh tranh quyết liệt bởi các mặt hàng tương tự song hiện đại hơn và các loại máy móc thay thế.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ có cơ hội lớn khi kinh tế phát triển, nhu cầu trang trí, làm đẹp của xã hội tăng cao. Ðồng thời, việc hợp tác thương mại với các nước tạo ra thị trường quốc tế rộng lớn để xuất khẩu cũng mở ra triển vọng mới cho nhiều làng nghề.

Một trong các trường hợp nổi bật về sự đổi thay, thích nghi phải kể đến gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh). Gốm Phù Lãng nổi tiếng với đồ gia dụng như: chum, vò, bát đĩa, tiểu sành,... đồ mỹ nghệ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Khi đồ dùng công nghiệp chiếm lĩnh thị trường, gốm Phù Lãng rơi vào cảnh lao đao. Hầu như các gia đình chỉ trông vào nghề làm tiểu sành. Nhưng sau đó, gốm Phù Lãng chuyển mình, và đồ mỹ nghệ bắt đầu ra đời. Ðó là các loại bình, lọ, chum, vò,... thô mộc của gốm Phù Lãng kết hợp với tạo hình mỹ thuật, nhất là đắp nổi hay khắc vạch phong cảnh làng quê, cỏ cây, hoa lá, động vật... gắn với đời sống nông thôn Việt Nam. Nhờ vậy gốm Phù Lãng đã từng bước đến với thị trường. Nhiều sản phẩm của nghệ nhân có tiếng được sử dụng trang trí trong các khách sạn, văn phòng lớn.

Hoặc gốm Bát Tràng vốn chịu sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm cùng loại xuất xứ Trung Quốc, giá thành rẻ hơn. Sau đó, phần lớn doanh nghiệp, hộ gia đình ở Bát Tràng đã mạnh dạn bỏ qua phân khúc hàng bình dân, giá rẻ, tập trung vào sản xuất phân khúc trung, cao cấp; phục chế, phát triển sản phẩm mới trên nền mầu men, cách tạo hình truyền thống. Ở Bát Tràng hiện có hơn 200 doanh nghiệp, 1.200 hộ gia đình sản xuất, giá trị sản xuất hằng năm lên đến 1.200 tỷ đồng.

Tương tự, làng nghề mây tre đan Bao La (Quảng Ðiền, Thừa Thiên - Huế) tồn tại, phát triển được cũng nhờ vào việc không "níu giữ" sản phẩm truyền thống là dụng cụ gia đình như: nong, nia, thúng, mủng, lồng bàn, rổ rá... Ðể thích ứng với tình trạng đồ nhựa và đồ gia dụng công nghiệp tràn ngập thị trường, người thợ Bao La chuyển hướng làm đồ mỹ nghệ như: khay, đèn ngủ, đèn lồng, chụp đèn, bình, lọ, đồ thờ... Kết quả là mây tre đan Bao La chinh phục cả thị trường thế giới.

Cũng không chịu ngồi một chỗ chờ cơ hội, các nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Thường Tín, Hà Nội) rất tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để tìm bạn hàng, tìm hiểu nhu cầu để thay đổi sản phẩm cho phù hợp. Thực tế này cho thấy vấn đề quyết định trong sự hồi sinh của mỗi làng nghề là khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường, để có những thay đổi, thích ứng phù hợp nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thị trường trong nước và quốc tế. Còn nếu làm ngược lại sẽ bị tụt hậu và đào thải.

Hiện nay, khá nhiều chương trình phát triển làng nghề được các ngành, địa phương triển khai nhằm thúc đẩy phát triển thế mạnh của các làng nghề trên cả nước, nổi bật là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QÐ-TTg ngày 7/5/2018. Ngay trong tháng 5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai với tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để có thể "bốc thuốc, kê đơn" cho đúng, nhiều ý kiến cho rằng, phải "bắt đúng bệnh" của làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống. Cần phải thấy rằng yếu tố quyết định sự tồn vong của làng nghề chính là thị trường.

Trước đây, phạm vi tiêu thụ sản phẩm của làng nghề khá hẹp nên nghệ nhân làng nghề có kỹ năng chuyên môn, kể cả nghệ nhân giỏi, vẫn thường chỉ quen làm theo các mẫu có sẵn, ít chú ý tạo ra sản phẩm mới vừa giữ nét truyền thống, vừa phù hợp với nhu cầu thời đại, nhất là sản phẩm có thể xuất khẩu, hoặc làm đồ lưu niệm cho khách du lịch. Nghệ nhân làng nghề cũng thiếu khả năng nắm bắt thị trường. Nhiều nơi vẫn bán cái mình có, thay vì bán cái thị trường cần; nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của du lịch cộng đồng tại các làng nghề. Ðặc biệt, nhìn chung doanh nghiệp, hộ gia đình ở làng nghề còn thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất.

Ðể làng nghề có thể phát triển, đem lại đời sống kinh tế ổn định cho người làng nghề thì không thể đầu tư dàn trải hay hô hào chung chung. Cần lựa chọn xây dựng các chương trình hỗ trợ bổ khuyết vào những khâu mà nghệ nhân làng nghề còn yếu để vực dậy số làng nghề gặp khó khăn, gồm cả làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng; tạo điều kiện giúp nghệ nhân trau dồi thêm kiến thức, tham quan, học hỏi cách làm ăn ở các nước.

Hiện nay, ở những làng nghề đang phát triển, nhiều nghệ nhân đã hướng cho con em tới học tập tại các trường mỹ thuật, quản lý kinh tế để trở về điều hành công việc. Việc liên kết sản xuất - thiết kế - tiêu thụ sẽ giúp khắc phục các nhược điểm của làng nghề.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi với việc thuê mặt bằng để làng nghề có thể mở rộng sản xuất, chuyển dần từ quy mô hộ gia đình sang mô hình doanh nghiệp. Thực tế trong tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi nhanh chóng như hiện nay cũng cần mạnh dạn "nói không" với các làng nghề không còn phù hợp hoặc không có khả năng thích ứng, để tập trung nguồn lực đầu tư phù hợp, phát huy những sản phẩm làng nghề hiệu quả. Từ đó góp phần mang lại giá trị kinh tế cho xã hội, đồng thời tích cực quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch ở trong và ngoài nước./.

Giang Nam (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất