Tổng thống V.Pu-tin tuyên bố mục đích của các hoạt động quân sự của Nga tại Xy-ri là nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông cũng không che giấu mục tiêu bảo vệ chính quyền của người đồng minh thân cận-Tổng thống Xy-ri An Át-xát...
Tổng thống Nga V.Pu-tin vừa tuyên bố, Nga đã bắt đầu tiến hành các đợt không kích nhằm vào một số mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Xy-ri. Động thái quân sự này của Nga đánh dấu sự can thiệp chính thức và mạnh mẽ của Mát-xcơ-va vào cuộc chiến chống lực lượng cực đoan tại Xy-ri.
Trái với chiến dịch can thiệp quân sự của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tại Xy-ri gây nhiều tranh cãi trước đây, chiến dịch của Nga đã nhận được sự ủng hộ ngay từ ban đầu. Ngay sau những màn khai hỏa đầu tiên, chiến dịch của Nga đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, kể cả các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp. Những nước này tuyên bố ủng hộ chiến dịch vì mục tiêu đánh bại IS của Mát-xcơ-va.
Nhưng sự ủng hộ quan trọng nhất mà Nga có được đó là từ phía chính quyền Xy-ri cho thấy sự hợp pháp của chiến dịch mà Nga vừa chính thức phát động. Nga tuyên bố sự can dự của mình vào các hoạt động chống khủng bố tại Xy-ri dựa trên luật pháp quốc tế và phù hợp với yêu cầu chính thức từ Tổng thống Xy-ri An Át-xát.
Trong bối cảnh nỗ lực chống IS của liên minh quốc tế hiện nay không đưa lại kết quả mong muốn và cuộc xung đột tại Xy-ri kéo dài, bước đi của Nga được đánh giá là một nỗ lực mới mở ra hy vọng tạo bước ngoặt khai thông bế tắc. Thực tế đáng buồn là cuộc xung đột Xy-ri đã kéo dài hơn 4 năm qua, khiến hơn 240.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản. Hệ lụy đỉnh điểm của cuộc xung đột ấy chính là sự nảy nòi của tổ chức khủng bố nguy hiểm IS. Sự bành trướng của nhóm này hiện nay đang trở thành mối đe dọa trực tiếp với nhiều quốc gia không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới. Chưa hết, cũng chính từ cuộc xung đột Xy-ri, mầm mống của một cuộc khủng hoảng nữa đã nảy sinh chính là làn sóng tị nạn đang làm đau đầu cộng đồng quốc tế.
Tổng thống V.Pu-tin tuyên bố mục đích của các hoạt động quân sự của Nga tại Xy-ri là nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông cũng không che giấu mục tiêu bảo vệ chính quyền của người đồng minh thân cận-Tổng thống Xy-ri An Át-xát khi tuyên bố: “Giải pháp duy nhất để đưa Xy-ri thoát khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay là ủng hộ chế độ của Tổng thống An Át-xát”. Ông V.Pu-tin còn đề nghị thành lập một liên minh quốc tế, bao gồm cả quân đội của chính phủ Xy-ri để tiêu diệt IS.
Vì vậy cần khẳng định rằng, Nga can thiệp vào Xy-ri trước tiên chính vì lợi ích của nước Nga. Nga lo ngại cho chính vấn đề an ninh của mình bởi nguy cơ hiện hữu, đó là những phần tử thánh chiến người Nga sang Xy-ri chiến đấu sau này có thể “chuyển lửa về quê hương".
Nước Nga cũng có những lợi ích cốt lõi tại Xy-ri khi hiện nay, ngoài I-ran, Xy-ri là đồng minh duy nhất của Mát-xcơ-va và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Căn cứ hải quân Tartus mặc dù chưa đạt tầm chiến lược vì đây chỉ là căn cứ hậu cần, kỹ thuật, nhưng đây lại là cơ sở để bảo đảm cho lực lượng hải quân Nga hoạt động tại khu vực Địa Trung Hải. Tartus còn có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Mát-xcơ-va vì sự tồn tại của căn cứ có vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga. Còn căn cứ tức là còn sự hiện diện của Nga ở Địa Trung Hải. Nếu không bảo đảm chỗ đứng chân cuối cùng này ở Địa Trung Hải thì Nga khó lòng có thể khôi phục được vị thế cũng như vai trò ảnh hưởng của mình ở Trung Đông.
Xy-ri, quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng từ lâu đã trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc mà Nga không phải là ngoại lệ. Cho tới khi xảy ra cuộc xung đột, Xy-ri càng chứng minh được tầm quan trọng của mình khi giành được sự quan tâm của nhiều nước bởi rõ ràng vấn đề Xy-ri đã trở thành vấn đề toàn cầu. Vì vậy, bảo vệ đồng minh Xy-ri cũng chính là bảo vệ vai trò của nước Nga ở khu vực.
Rõ ràng, can thiệp vào Xy-ri trong thời điểm hiện nay, Nga đã đặt mình vào vị trí có lợi hơn trên “bàn cờ” Xy-ri. Vừa qua tại Niu Y-oóc, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với nguyên thủ các nước khi đưa đề nghị thành lập một liên minh quốc tế rộng rãi chống IS. Thậm chí, giới quan sát còn cho rằng, sáng kiến này của Nga còn “nóng” hơn là vấn đề chống biến đổi khí hậu vốn là chương trình nghị sự trọng tâm của khóa họp.
Rõ ràng, Nga đã đánh trúng tâm lý lo ngại sự lớn mạnh của IS sẽ đe dọa tới an ninh của nhiều nước khi đề xuất sáng kiến về Xy-ri. Lập trường của Nga muốn duy trì quyền lực của ông An Át-xát trên sân khấu chính trị Xy-ri trước đây vốn bị Mỹ và các nước phương Tây phản đối. Thì nay, “gió đã đổi chiều” khi lập trường này được nhiều nước trong khu vực tán đồng, mà bản thân Mỹ và nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức cũng tỏ ra mềm dẻo hơn khi không còn coi việc ông An Át-xát phải ra đi là điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ở Xy-ri. Các nước này giờ đây rõ ràng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” để đón nhận sáng kiến của Mát-xcơ-va, mà bằng chứng là Mỹ và một số nước đã bắt đầu có những hợp tác đầu tiên với Nga ở Xy-ri vì mục tiêu chung là tiêu diệt IS.
Nga cũng đưa ra tuyên bố rất đúng thời điểm khi các nước liên quan tới cuộc khủng hoảng Xy-ri đều đang cho thấy có những bước chuyển trong suy nghĩ và chiến lược hành động ở nước này theo hướng quyết liệt hơn sau khi đã “nếm trải” không ít hệ lụy từ cuộc xung đột Xy-ri. Điển hình là Pháp cũng đang cân nhắc có các hành động quân sự tại Xy-ri. Và rất có thể, động thái quân sự của Nga sẽ tạo thêm động lực cho Pa-ri thực hiện dự định của mình.
Điều không kém phần quan trọng nữa đó là sự can thiệp chính thức Nga vào Xy-ri sẽ là một nhân tố có sức nặng có thể khuyến khích sự tham gia của quốc gia Hồi giáo I-ran, một đồng minh của Nga ở khu vực, vào giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Nhân tố I-ran vẫn được xem là một “chìa khóa” đối với tình trạng bế tắc tại nước láng giềng Xy-ri.
Động thái mới của Mát-xcơ-va giúp nước Nga khẳng định vai trò và tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu của một cường quốc. Bất chấp những nghi ngại không thể tránh khỏi của một số nước, chiến dịch quân sự của Nga đang thúc đẩy việc tạo ra một liên minh tự nguyện kiểu mới, được hy vọng sẽ đối phó hiệu quả hơn với mối đe dọa nguy hiểm mang tên IS./.
Mỹ Hạnh (QĐND)