Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 11/3/2009 20:46'(GMT+7)

Gỡ khó cho doanh nghiệp bằng chính sách ưu đãi thuế

Mặc dù không nằm trong vòng xoáy trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng đã chịu những tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng này. Năm 2008, lạm phát gia tăng, với các biện pháp kiềm chế lạm phát được triển khai thực hiện quyết liệt, với sự hợp lực có hiệu quả của toàn dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, lạm phát vừa lắng xuống, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại phải gồng mình đối phó với những tiêu cực do cuộc khủng hoảng kinh tế đưa đến. Sức nặng khó khăn đang đè nặng trên vai các doanh nghiệp, đẩy không ít doanh nghiệp đến tình trạng khó khăn, mất đơn hàng, sản xuất đình trệ, đứng bền bờ phá sản... nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ được các doanh nghiệp lên tiếng “kêu cứu” mà tất cả các ngành, các cấp vào cuộc. Trước tính hình đó Chính phủ cũng đã có những giải pháp linh hoạt, nhằm cấp bách chặn đà suy giảm kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) là một trong những giải pháp đã được triển khai. Đây là một trong những động thái tích cực được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Bởi đây là đối tượng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế đất nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 350 nghìn doanh nghiệp, trong đó hơn 95% là DNN&V. Khối doanh nghiệp này được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế với việc sử dụng 50,13% lao động, nộp ngân sách chiếm 17,64% và đóng góp 40% GDP. Tuy nhiên, các DNN&V Việt Nam còn hạn chế về vốn, nhân lực, công nghệ… Những khó khăn dồn dập ập đến đã tác động tiêu cực đến từng doanh nghiệp. Trong thời gian qua, với hàng loạt khó khăn liên tiếp ập đến, DNN&V Việt Nam vốn có nhiều hạn chế, khi khó khăn các hạn chế này lại càng lộ diện, đẩy doanh nghiệp đến tính trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều tra của Hiệp hội DNN&V cho thấy, 20% doanh nghiệp đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Khoảng 60% doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất. Chỉ có 20% doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn.

Để đối phó với tình trạng khó khăn trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, đưa ra những giải pháp nhằm chặn đà suy giảm kinh tế và duy trì mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, Chính phủ chủ trương giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giãn thời gian nộp thuế, tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với hàng hóa xuất khẩu, tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thực hiện chủ trương này, ngày 13/01/2009, Bộ Tài chính đã cùng lúc ban hành 3 thông tư quan trọng, hướng dẫn việc thực hiện giãn, giảm và hoàn thuế cho doanh nghiệp. Theo Thông tư số 03/2009/TT-BTC, các DNN&V có vốn điều lệ không quá 10 tỷ đồng; có số lao động sử dụng bình quân trong quý IV/2008 không quá 300 người, sẽ được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của quý IV/2008 và số thuế TNDN phải nộp năm 2009, đồng thời được giãn nộp thuế 9 tháng. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 04/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện hoàn 90% số thuế đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong vòng 7 ngày.

Thực tế, Chính phủ cũng không thể áp dụng các biện pháp tài trợ cho xuất khẩu (điều khoản bị cấm theo quy định của WTO) thì đây được xem là biện pháp duy nhất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khó khăn. Theo đó, thực hiện tạm hoàn ngay 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hoá thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng nhưng được ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp giao dịch bảo lãnh thanh toán và hoàn tiếp 10% còn lại khi có chứng từ thanh toán.

Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, trong nước chưa sản xuất được hoặc có sản xuất nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, kéo dài thời gian ân hạn nộp thuế đối với một số ngành hàng phù hợp với chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (đóng tàu, sản xuất cơ khí...). Đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu đối với hàng hoá, rút ngắn thời gian thông quan, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế đối với nguyên liệu nhâp khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu. Mặt khác, cắt giảm mức thu hoặc tạm dừng thu đối với những loại phí, lệ phí liên quan đến đầu vào của sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sẽ được tiếp tục rà soát. Những khoản phí, lệ phí gắn với thủ tục phiền hà, không phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước theo cơ chế mới thì trình Chính phủ kiên quyết xử lý bãi bỏ... Những động thái tích cực này được coi như là liều thuốc tăng lực cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ thực hiện giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ khiến nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng. Với việc thực hiện hàng loạt các chính sách ưu đãi này, sẽ có khoảng trên 100 nghìn doanh nghiệp được hưởng lợi; Số tiền hỗ trợ thông qua giảm 30% thuế TNDN (trong quý IV/2008 và cả năm 2009) sẽ lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách giảm thuế sẽ tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh và giúp bồi dưỡng nguồn thu.

Có thể khẳng định việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách giãn, giảm thuế trong giai đoạn hiện nay là giải pháp toàn diện không những cứu doanh nghiệp mà còn góp phần gỡ khó cho nền kinh tế, nhưng khi thực hiện cần có trọng tâm. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi thuế đã được ban hành song nếu quy trình, thủ tục phức tạp sẽ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Vì vậy, việc đơn giản thủ tục hành chính cũng rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. /.

Lưu Đức. Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất