Tính từ đầu năm đến nay, nông sản nước ta đang rơi vào tình trạng rớt giá khá nhiều, kể các những mặt hàng chủ lực như gạo, dừa, cà phê…, báo hiệu một năm đầy khó khăn cho người nông dân “một nắng hai sương”.
Cụ thể, sau thời gian ngắn tăng giá khi các doanh nghiệp thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vào giữa tháng 3-2012, giá gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long lại quay đầu giảm. Lấy ví dụ, giá lúa IR 50404 năm nay dao động ở mức 5.000-5.200 đồng/kg, giảm mạnh so với mức 6.000-6.500 đồng/kg năm trước.
Các mặt hàng khác như khoai lang, dứa cũng giảm giá chóng mặt. Nguyên nhân “muôn thủa” chính là do thương lái nước ngoài tác động. Vẫn những “chiêu cũ” là ồ ạt mua nông sản số lượng lớn để đẩy giá lên, nông dân phá bỏ hợp đồng với các nhà máy địa phương mà đổ xô đi bán cho thương lái. Sau đó thương lái hạn chế hoặc dừng mua làm cho giá giảm mạnh, rồi bắt đầu chiêu ép giá, khiến cho người nông dân phải chịu hòa hoặc có khi lỗ vốn.
Gần đây là tình trạng giá dừa ở các tỉnh phía Nam, như ở Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, liên tục giảm mạnh, khiến cho đời sống nhiều nhà vườn lâm vào cảnh khó khăn. Nhất là dừa khô nguyên liệu, giá đã giảm tới trên 7 lần, từ 150.000 đồng/chục (12 trái) vào tháng 8-2011 xuống chỉ còn chưa đến 20.000 đồng/chục. Do vậy, nhiều nhà vườn trong vùng đã bỏ hoang, không đầu tư chăm sóc hoặc đốn bỏ để trồng loại cây khác, đào ao nuôi cá... Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, không biết đến khi nào vùng mới lại “rợp bóng dừa” như trước.
Thực tế trên cho thấy, hiện giờ người nông dân vẫn luôn ở trạng thái bị động để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Giá cả nông sản vẫn bị phụ thuộc phần nhiều vào sức mua trong nước và xuất khẩu, cũng như quy hoạch “mùa vụ” của từng vùng. Nếu mặt hàng nào được giá, người nông dân sẵn sàng phá “quy hoạch” để trồng cây chạy theo lợi nhuận trước mắt. Người nông dân không đủ vốn thường phải mượn ngân hàng, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và chỉ muốn sớm bán được nông sản để trả lãi cũng như nuôi sống gia đình nên họ rất dễ bị thao túng giá.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền mỗi địa phương vừa phải tập trung tháo gỡ những vấn đề bất ngờ ảnh hưởng đến mặt hàng nông sản cũng chính là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân, đồng thời cần đề ra một kế hoạch “dài hơi” cho canh tác và phát huy lợi thế cây nông sản tại vùng mình. Đặc biệt chú trọng đến đẩy mạnh liên kết giữa các cơ quan, ban ngành, người nông dân và doanh nghiệp. Khi mối quan hệ này bền chặt, nông dân và doanh nghiệp có thể nhận được thông tin chính xác và kịp thời, còn các cơ quan, ban ngành có thể kiểm soát được chất lượng của nông sản trong nước và tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới, không để nông dân chưa vội mừng vì được mùa đã phải méo mặt vì bị chèn ép giá. Có như vậy, điệp khúc “chặt, trồng” mới không là “chuyện thường ngày ở huyện”./.
(Văn Hiếu/QĐND)