Công tác đảng viên ở các chi bộ khu vực
nông thôn thường gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến việc phát
triển và quản lý đảng viên. Đây là vấn đề mà các tổ chức đảng, cấp ủy
luôn trăn trở, tìm cách tháo gỡ.
Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn là thiếu nguồn kết nạp. Theo một số đồng chí làm công tác đảng ở tỉnh Phú Yên, yêu cầu trình độ người vào Đảng trong Quy định 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng là khá cao đối với các chi bộ, vì thế có nơi hai, ba năm liền không có nguồn để phát triển đảng viên. Phần lớn những người có trình độ học vấn làm việc tại các cơ quan nhà nước, số ở nông thôn thường chưa tốt nghiệp trung học cơ sở, không đủ điều kiện để bồi dưỡng kết nạp Đảng; những người đủ điều kiện theo quy định, lại không có việc làm ổn định, phải đi nơi khác tìm việc hoặc ít tham gia công tác xã hội.
Nhiều năm qua, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) chú trọng công tác phát triển đảng, nâng số đảng viên trong huyện lên gần 2.500, nhưng đến nay, công tác này không thuận lợi vì “cạn” nguồn. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trần Đề Huỳnh Thanh Liêm cho biết: Chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện kết nạp 500 đảng viên. Tuy nhiên, nhiệm kỳ trước, để hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên tỉnh giao, huyện đã “sử dụng” hết nguồn là cán bộ, công chức, viên chức, trưởng các chi hội, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng trong ngành giáo dục, y tế và dân quân tự vệ… Hiện, không còn nguồn nữa, cho nên đầu năm 2017, Huyện ủy sẽ đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này.
Ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, đồng bào người Hoa chiếm tỷ lệ cao sau người Khmer, nhưng để kết nạp được một đảng viên người Khmer và người Hoa không đơn giản. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Châu Trà Khol cho biết: Đảng ủy đã tìm mọi biện pháp để nâng tỷ lệ đảng viên là người Hoa cho tương xứng với số dân, nhưng không thực hiện được vì trình độ học vấn của nhiều đoàn viên, thanh niên, hội viên người dân tộc thiểu số này chưa đạt yêu cầu.
Không bảo đảm điều kiện về trình độ học vấn là rào cản chính hiện nay trong tạo nguồn và kết nạp đảng viên ở một số tỉnh Tây Nam Bộ. Nhiều quần chúng chưa học xong lớp 9, nhận thức chính trị còn hạn chế. Việc theo dõi, giúp đỡ đối tượng cảm tình Đảng của nhiều chi bộ chưa cụ thể, rõ ràng, chưa chủ động giao nhiệm vụ bồi dưỡng, rèn luyện quần chúng thông qua các phong trào của Đoàn Thanh niên và các phong trào thi đua khác. Việc lựa chọn, giới thiệu quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng chưa được quan tâm đúng mức.
Chung thực trạng nêu trên, sáu tháng đầu năm, tỉnh Cà Mau kết nạp 671 đảng viên, đạt 33,55%, nguồn phát triển Đảng chủ yếu dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ… Song thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào tạo nguồn, kết nạp đảng là rất hiếm.
Không chỉ với khu vực Tây Nam Bộ, tại Bình Định, một tỉnh Nam Trung Bộ, chúng tôi cũng nhận được những lời chia sẻ tương tự. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) Trương Văn Châu lo ngại, Mỹ Hiệp là xã thuần nông, phần lớn người trong độ tuổi lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố khác; các học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đi học, đi làm ăn xa hoặc tham gia nghĩa vụ quân sự, cho nên nguồn phát triển đảng viên từ thanh niên là rất khó khăn, nguồn từ trưởng các tổ chức, đoàn thể càng ít hơn, điều đó dẫn đến chất lượng đảng viên khu vực nông thôn chưa cao.
Bên cạnh những khó khăn trong kết nạp đảng viên, việc quản lý những đảng viên tìm việc làm xa nơi cư trú cũng đang làm cho nhiều chi bộ lúng túng. Theo đó, việc đánh giá, phân loại đảng viên đối với những trường hợp này còn nhiều ý kiến khác nhau. Với đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú dưới 12 tháng, đảng ủy cơ sở cho đảng viên được tạm miễn sinh hoạt, nhưng tình trạng đảng viên xin miễn sinh hoạt nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm khiến cấp ủy lúng túng. Vì nhu cầu mưu sinh của đảng viên, cho nên chi bộ không thể không đồng ý, và việc xếp loại đảng viên hoàn thành nhiệm vụ chưa đúng, bởi thực tế, những đảng viên này hầu như rất ít tham gia các hoạt động của chi bộ.
Đảng bộ huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên có 34 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với hơn bốn nghìn đảng viên. Đây là huyện có tỷ lệ thanh niên đi tìm việc làm tại các tỉnh, thành phố khác tương đối lớn, cho nên các tổ chức cơ sở đảng gặp nhiều khó khăn trong quản lý đảng viên. Không giám sát, quản lý được quá trình công tác cũng như sinh hoạt của số đảng viên này khiến công tác đánh giá chất lượng đảng viên không chính xác và thực chất. Chi bộ thôn Mỹ Thạnh Đông 1, xã Hòa Phong đã phải khai trừ Đảng đối với hai đảng viên do đi làm việc ở nơi khác, không thể tham gia các hoạt động của chi bộ theo quy định. Một số đảng viên dự bị được cấp ủy địa phương nhiều lần tập trung tham gia học lớp đảng viên mới, nhưng không về học, cho nên bị đề nghị xóa tên trong danh sách đảng viên.
Đảng ủy xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) có 24 chi bộ, 254 đảng viên. Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi Lê Thanh Phùng cho biết, chỉ tiêu năm 2016 phải kết nạp 13 đảng viên, nhưng đến nay mới kết nạp được hai đồng chí, do thiếu nguồn. Hiện, Đảng bộ xã có 17 đảng viên đi tìm việc làm ngoài địa phương và 11 đảng viên bỏ sinh hoạt. Trong năm nay, Huyện ủy Ngọc Hiển công nhận đảng viên chính thức cho 103 đồng chí; kết nạp 86 quần chúng ưu tú vào Đảng, giảm 11 đồng chí so với cùng kỳ năm 2015; xóa tên 25 đảng viên, mà lý do chính cũng như các trường hợp nêu trên.
Một số chi bộ không chỉ khó khăn trong kết nạp đảng viên mà còn lo ngại về tỷ lệ đảng viên có nguy cơ bị xóa tên. Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định Trần Kim Hùng, ở các xã đồng bằng, xã bãi ngang, xã miền núi… của tỉnh đều thiếu nguồn kết nạp đảng viên, trong khi đó nhiều đảng viên dự bị bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, do đi làm xa quê, không tham gia đầy đủ các hoạt động của chi bộ. Công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, còn tình trạng chi bộ không phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên, ảnh hưởng đến việc quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên cũng như chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên Võ Văn Dông cho biết, công tác quản lý đảng viên tại khu dân cư chặt chẽ hơn vì hằng ngày sống và làm việc tại nơi cư trú; tư tưởng diễn biến của từng đảng viên dễ nắm bắt hơn. Còn đối với những đảng viên làm nghề đánh bắt thủy, hải sản phải đi biển dài ngày, thì rất khó quản lý, nhất là phân công nhiệm vụ và theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; bố trí lịch sinh hoạt chi bộ định kỳ.
Vấn đề đặt ra là nếu bị sức ép chạy theo chỉ tiêu cấp ủy cấp trên giao thì khó bảo đảm chất lượng đảng viên mới. Để khắc phục tình trạng này, cấp ủy cấp trên cần giám sát chặt chẽ các bước, các quy trình xét kết nạp đảng viên; coi công tác phát triển đảng viên là chỉ tiêu quan trọng khi xem xét, phân loại chi bộ hằng năm nhưng đặt tiêu chuẩn, chất lượng đảng viên lên hàng đầu.
Nhiều địa phương như: Sóc Trăng, Bình Định, Quảng Nam, Bình Thuận… đã có những biện pháp hiệu quả kết nạp đảng viên là học sinh trung học phổ thông. Các cấp ủy chú trọng tạo nguồn là những học sinh giỏi, đoàn viên ưu tú, tham gia các hoạt động, phong trào của trường để giới thiệu cho chi bộ xem xét đưa vào đối tượng kết nạp đảng… Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác đảng viên, mỗi chi bộ cần chủ động tìm nguồn, và về lâu dài cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại lao động, tạo việc làm ổn định để lao động trẻ “ly nông” mà không “ly hương”, tạo điều kiện cho các đoàn viên, thanh niên yên tâm làm ăn tại địa phương.
Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt để thu hút và tạo động lực cho thanh niên phấn đấu vào Đảng, coi trọng phát triển đảng viên trong lực lượng trẻ là đoàn viên, thanh niên, đồng thời tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của chi bộ. Ngoài ra, cần có quy định, hướng dẫn, tạo mối liên hệ giữa tổ chức đảng nơi đảng viên đăng ký sinh hoạt và tổ chức đảng nơi đảng viên làm việc, cư trú để chung trách nhiệm trong quản lý, đánh giá đảng viên.
Ngọc Liên/TTXVN