Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 9/7/2011 9:43'(GMT+7)

Góc nhìn vĩ mô về chính sách lao động việc làm

Tổng cục Thống kê vừa công bố có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động trong mười năm qua.

Tổng cục Thống kê vừa công bố có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động trong mười năm qua.

Nỗ lực và thành quả

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển KT-XH để nâng cao mức sống chung của nhân dân, Chính phủ đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội  trợ giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách và giải pháp xóa đói, giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên cả ba phương diện: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề...

Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đào tạo nghề quốc gia và mục tiêu khi kết thúc vào năm 2020 sẽ đào tạo nghề cho khoảng 10 triệu lao động nông thôn; bồi dưỡng đào tạo một triệu cán bộ công chức cấp xã, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn... Việc bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) và phúc lợi xã hội trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn bất cập như giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao. Ðời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn. Nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp. Các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân.

Những bất cập trên đây xuất phát từ công tác quản lý còn yếu kém, nhận thức chưa đầy đủ, chưa hình thành được hệ thống rộng khắp với những cơ chế chủ động tích cực, bền vững, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Những bài học từ góc độ kinh tế

Nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, thực tế xây dựng và triển khai chính sách lao động - việc làm thời gian qua cho thấy những bài học đáng lưu ý sau:

Chính sách lao động - việc làm cần được thực hiện đồng bộ và đồng thời, thậm chí đi trước một bước các chính sách kinh tế khác. Công tác đào tạo nghề cần bám sát nhu cầu thị trường và đi trước, đón đầu các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, nhất là những địa bàn có tốc độ đô thị hóa và tái cấu trúc kinh tế - xã hội nhanh.

Cần bảo đảm đầu tư đủ mức theo yêu cầu, gắn với thực tế đối tượng học nghề, cũng như gắn với chương trình việc làm cụ thể của mỗi địa phương. Hơn nữa, cần chú ý yêu cầu dạy nghề theo hướng tạo việc làm tại chỗ, để giúp người lao động nông thôn tăng khả năng chủ động tìm kiếm công việc ngay tại quê nhà, giảm bớt áp lực quá tải, phi kinh tế lên các đô thị.

Về mặt kinh tế, không đầu tư nâng cao chất lượng cho lao động, chúng ta sẽ không đáp ứng được đòi hỏi về nhân lực của các dự án. Ðiều này đồng nghĩa với việc Việt Nam tự hạn chế nguồn đầu tư và chất lượng phát triển, tự bỏ lỡ cơ hội nhanh chóng tiến lên hiện đại hóa. Do đó, cần sớm bổ sung các chính sách lao động - việc làm mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc đạt được tốc độ và hiệu quả tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời khai thác tốt đội ngũ lao động từ nước ngoài trở về sau khi kết thúc hợp đồng lao động. Cần tạo môi trường để người lao động Việt Nam được học tập và rèn luyện trong các trường dạy nghề chất lượng cao, trường đại học đẳng cấp quốc tế, được quản lý theo mục tiêu bảo đảm chất lượng đào tạo và gắn với nhu cầu của xã hội. Cần tăng cường hợp tác quốc tế và xây dựng hoàn thiện những văn bản, chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ...

Các công cụ chính sách kinh tế, như tài chính - tín dụng và đầu tư, các ưu đãi và trợ cấp kinh tế khác cần được thiết kế phù hợp thực tế và minh bạch, tránh hình thức và gây khó hay lạm dụng trong thực hiện. Ngoài ra cần hạn chế những kẽ hở tạo sự lạm dụng từ phía chủ sử dụng lao động, gây thiệt hại cho quyền lợi kinh tế và cả sức khỏe của người lao động. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lạm dụng sức lao động ngoài giờ và cắt xén các chế độ bảo hộ lao động của công nhân, hoặc có khả năng trả lương cao hơn, nhưng họ vin vào mức lương tối thiểu để trả lương thấp cho người lao động. Ðây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cuộc đình công và lãn công, bỏ việc tự do ngày càng gia tăng ở các KCN-KCX trên cả nước, nhất là ở các đô thị lớn, có mức sống đắt đỏ, gây thiệt hại kinh tế cho  ngay các chủ lao động và tổn hại về uy tín môi trường đầu tư Việt Nam, làm ảnh hưởng đến bản thân hiệu quả các chính sách kinh tế nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhất là FDI của Chính phủ.

Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, chính sách lao động - việc làm không thể không gắn với chính sách thu nhập, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; trong đó, dân số là mẫu số của chung, nền tảng để giải các bài toán khác. Trước mắt, tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả Chiến lược an sinh xã hội 2011- 2020; Chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình việc làm giai đoạn 2011- 2015; phấn đấu để năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% theo chuẩn mới; phát triển các loại hình bảo hiểm, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.

TS NGUYỄN MINH PHONG
(Nguồn: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất