Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 3/7/2011 9:58'(GMT+7)

Những người bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Phía trước là biển lớn, sau lưng là Tổ quốc. Và rất nhiều người trong họ đã không trở về, với những hình ảnh và hành động kiêu hùng của người dân Việt!

Người "ở lại” với biển

Từ những ngày giữa năm 1989, chúng ta có chủ trương thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam. Mặc dù điều kiện kinh tế của ta thời kỳ này còn hết sức khó khăn, nhưng đứng trước nhiệm vụ lớn, bất chấp khó khăn gian khổ, rất nhiều người con chiến sỹ của nước Việt đã xung phong ra bám biển. Biết là khó khăn, biết là gian khổ, nhưng với bản lĩnh và lòng quý trọng tấc đất, mặt biển của cha ông đã dày công dựng xây và khẳng định nên họ đã ra đi. Ngoài những người đơn thân, rất nhiều người trong họ còn có gia đình, có những người vợ trẻ và những đứa con thơ chưa biết rõ mặt cha.

Những năm ấy, do nhà giàn còn thiết kế đơn sơ, lại gặp những năm thiên nhiên hung dữ, khắc nghiệt, nhiều nhà giàn ở đây, nơi mà các cán bộ, chiến sỹ Hải quân chiến sỹ Lữ đoàn 171 - Vùng 2 đang trụ lại làm nhiệm vụ đã bị quật đổ. Trong những thử thách khó khăn, những tình huống hiểm nghèo, các anh đã chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ về mình, kể cả hy sinh tính mạng để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Các anh đã tỏ rõ lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của người lính, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các anh trở thành tấm gương tiêu biểu về lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, thuỷ chung, sáng ngời phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ Hải quân.

Không ai có thể quên buổi chiều ngày 4 tháng 12 năm 1990, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông. Cán bộ, chiến sỹ nhà giàn Phúc Tần dưới sự chỉ huy của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Văn Bổng và Thượng uý - Phó Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã ra sức chống chọi với cơn bão. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh, nhà giàn không trụ vững được, đã cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sỹ xuống biển, trong đó có 3 đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Tiêu biểu, là tấm gương của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chính trị viên nhà giàn Phúc Tần. Trong khi bị bão cuốn trôi trên biển, sóng to, gió lớn, quăng quật anh và đồng đội nhiều giờ nhưng anh vẫn nêu cao vai trò lãnh đạo của người Bí thư chi bộ. Anh động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ của đại dương. Trong khi cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho đồng đội, để rồi mãi mãi ở lại với biển vào chiều ngày 5/12/1990.

Đó còn là hành động cao đẹp của Liệt sĩ Đại uý Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên. Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão, được lệnh của trên, anh đã bình tĩnh chỉ huy anh em rời Trạm xuống tàu theo phương án. Còn anh và đồng đội - đảng viên Nguyễn Văn An tình nguyện ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào người và rời nhà giàn sau cùng. Nhưng ác thay, bão gió đại dương đã cướp đi tính mạng của các anh. Riêng đồng chí Nguyễn Văn An ra đi đã để lại người vợ hiền và đứa con nhỏ mới sinh chưa kịp nhìn mặt bố.

Trong bão tố đại dương, với nhiệm vụ bám biển, còn nổi lên tấm gương cao đẹp của Liệt sĩ - Chuẩn uý Lê Đức Hồng, anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn bị đổ, anh đã gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền” qua sóng và không một chút ưu tư, suy tính để rồi mãi mãi nằm lại với biển khơi. Còn biết bao tấm gương dũng cảm của các đồng chí cán bộ thuyền như: Thượng uý Phạm Tảo, Đại uý Nguyễn Văn Tư, Trung uý Lê Tiến Cường và các đồng chí: Thượng uý Ngô Sỹ Nga - Máy trưởng, chiến sỹ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh.... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm tìm kiếm, cứu vớt đồng đội và đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.


Kiêu hãnh những Nhà giàn DK

Từ những đau thương mất mát của những cán bộ chiến sỹ thời đầu ra nhà giàn bám biển, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các nhà giàn đơn giản nay đã dần được hiện đại hóa. Nếu có ra biển, chạy trên hải phận nước Việt khi màn đêm buông xuống, mới thấy các nhà giàn hiện lên lung linh lạ kỳ. Đèn điện sáng trưng, đèn báo sóng, báo ngư trường nhấp nháy đến vui mắt. Nhìn những hình ảnh ấy, người ta lại mường tượng ra những "khách sạn có hạng" đang nổi trên mặt biển.

Cách Nhà giàn Phúc Tần, đã bị sóng và bão tố cuộn đổ cùng với bao tấm gương anh dũng hy sinh của các cán bộ chiến sỹ bám biển ở những năm trước không xa là Nhà giàn DK1 – 2. Nhà giàn này cao cách mặt biển dễ có 20 thước, uy nghi và vững chãi vô cùng. Nhà giàn thế hệ mới này đã được bê tông, sắt thép hóa và cắm chân vững chãi vào nền san hô lục địa Tổ quốc. Việc cặp mạn nhà giàn này giờ không còn khó khăn nữa. Sau khoảng chục phút khỏa sóng của ca nô, chúng tôi đã tới nhà giàn. Leo qua 2 tầng cao thang, chúng tôi đã được những chiến sỹ chỉnh tề cùng trang phục đón tiếp. Ai trong họ cũng tươi rói, vạm vỡ và dư thừa sự nhiệt tình bám biển.

Đại diện cho cán bộ chiến sỹ, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1 – 2 Trang Hải Âu vui vẻ cho biết: Giờ thì trong đất liền có những cái gì cần cho cuộc sống thì anh em ở Nhà giàn này cũng đều có. Sóng điện thoại, ti vi, tủ lạnh và cả điện thắp sáng nữa. Hiện nay, ngoài việc có điện để sinh hoạt, đun nấu, anh em còn trồng được cả rau, chăn nuôi lợn gà. Cuộc sống sinh hoạt đã hệt như đất liền và cái quan trọng là với sự kiên cố của nhà giàn, anh em đã an tâm đủ sức để bám biển trong tất cả các hoàn cảnh nào.

Nói về cuộc sống nhà giàn, Thiếu tá Nguyễn Hữu Thuận, đã 14 năm bám biển, gắn bó với Nhà giàn cho biết: Được sự chăm chút và đầu tư của đất liền, giờ cuộc sống anh em không còn cô quạnh và còn tình cảnh phải... đỏ mắt ngóng tin từ đất liền nữa. Điện sạch đã được đầu tư, dư thừa để thắp sáng và sinh hoạt. Cùng với đó là sóng điện thoại di động đã được phủ. Suốt giờ trong ngày, cần có tin tức gì đất liền, của gia đình thì anh em chỉ cần nhấn máy kết nối. Không những chỉ gọi mà các anh còn được đất liền điện thoại chia sẻ. Thậm chí có người chiều nào cũng được con gái yêu trong đất liền, đang độ tuổi mẫu giáo, bi bô hát tặng bố những bài hát được cô giáo dạy trong ngày.

Bằng việc quyết tâm bám biển này, bất chấp khó khăn, các chiến sỹ đủ các lứa tuổi, ở đủ các miền quê đã ra đây. Không những chỉ bám biển, các anh còn là chỗ dựa tinh thần và vật chất, chia sẻ, ứng cứu với ngư dân trên biển. Với những đóng góp và phấn đấu này, các anh đã xứng đáng nhận được phần thưởng cao quý Đơn vị Quyết thắng vừa được trao tặng.

Chia tay với Nhà giàn ĐK1 – 2, sau lời chúc "thượng thủy bình an" của các anh, tôi nhớ mãi câu nói của Thiếu tá Trang Hải Âu: Các anh và đất liền cứ yên tâm. Còn Nhà giàn là còn chúng tôi, còn chúng tôi là còn biển. Biển và đảo là phần "máu thịt" thiêng liêng của Tổ quốc, nên không một sức mạnh nào có thể khuất phục nổi!./.


(Đơn Thương/ĐĐK)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất