Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 14/9/2013 21:30'(GMT+7)

Góp phần bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học ở Việt Nam

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Thu Hằng))

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Thu Hằng))

Ngày 14-9, Trung tâm nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ và tư liệu (Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với tổ chức TRAFFIC đã tổ chức lễ công bố và trao giải cuộc thi “Không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng góp phần bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học ở Việt Nam”. Đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu tại buổi lễ.

Cuộc thi do Trung tâm nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ và tư liệu phối hợp với tổ chứcTRAFFIC từ ngày 10/01/2013 đến hết ngày 30/6/2013. Cuộc thi nhằm góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và các loài hoang dã nói riêng trong một số năm vừa qua.

Ban Tổ chức cuộc thi đã hướng tới 3 mục tiêu, đó là: truyền thông rộng rãi, lặp lại nhiều lần thông điệp như chủ đề cuộc thi để người dân nắm bắt thông điệp và có hành vi phù hợp; lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt là những người am hiểu, những người đang trực tiếp làm công việc này như các cán bộ kiểm lâm, các nhà nghiên cứu, các nhà báo về thực trạng và giải pháp cho nạn buôn lậu, tiêu thụ trái phép các loài nguy cấp, cụ thể như việc tiêu thụ sừng tê; chọn lọc, đóng góp thêm các bài viết hay, thấu tình đạt lý, giàu tính thuyết phục góp phần tăng hiệu quả tuyên truyền người dân hiểu không vi phạm pháp luật VN và công ước quốc tế về buôn bán, tiêu dùng các loài hoang dã.

Ban giám khảo cuộc thi đã tiếp nhận các sản phẩm dự thi từ số lượng người dự thi khá đông đảo gồm người dự thi và nhóm người dự thi (có nhóm chỉ 3 người song có 6 nhóm sinh viên mỗi nhóm trên trăm người, có nhóm dự thi gồm 180 người), có bài 3 trang và có sản phẩm hàng trăm trang. Thành phần dự thi có cán bộ kiểm lâm, những người dự thi gắn bó cả đời với công tác bảo tồn từ các tỉnh Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Cà Mau, Đắk Lắk, bình dương, kiên giang; có các nhà báo, nhà văn, nhà biên tập từ Đài truyền hình Việt Nam, báo Sài Gòn giải phóng, báo Công an nhân dân, báo Thanh tra, báo Quân khu 2, cán bộ Tỉnh ủy ở Cà Mau… Sản phẩm dự thi rất phong phú về hình thức như có bài viết tuyên truyền, bài văn, bài báo, bản báo cáo, đề án, kịch bản, phóng sự xã hội, phóng sự điều tra, videoclip, trang web, sách ảnh, sách tranh cổ động, các quyển sách khổ lớn (như trưng bày) và cả tranh vẽ cổ động, mô hình..,  

Bài dự thi tập trung vào nội dung phản ánh những nỗ lực của các ngành, các cấp, của các tổ chức quốc tế trong công tác bảo tồn và việc ngăn chặn săn bắn, buôn bán trái phép các loài hoang dã nguy cấp, đa số khẳng định những tiến bộ đạt được trong công tác này như: Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm được Nhà nước chú trọng, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Các vụ việc vi phạm được cơ quan truyền thông đưa tin. Cơ quan kiểm lâm cũng đã phát hiện và xử lý được nhiều vụ vi phạm liên quan đến các loài hoang dã nguy cấp như hổ, voi tê giác và nhiều vụ săn bắn, buôn bán các loài này từ các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Nhiều vụ nhập khẩu trái phép sừng tê giác từ nước ngoài (hải quan nước ngoài không phát hiện được) song về VN đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, trong đó có các vụ bị khởi tố hình sự. Đặc biệt các bạn dự thi đề cập đến chủ đề rộng lớn hơn, đó là sự cần thiết của việc bảo vệ rừng. Bởi vì, động, thực vật hoang dã  muốn tồn tại và phát triển được phải có môi trường sống thích hợp là rừng, mất rừng là mất đi môi trường sống của chúng và chúng sẽ bị tuyệt chủng.

 
 Hai thí sinh đạt giải đặc biệt của cuộc thi

Các bài viết của những người dân ở khắp các tỉnh, thành hướng đến nội dung giới thiệu các tấm gương tiêu biểu về không săn bắn, tiêu thụ như tấm gương nhiều thợ săn đã bỏ nghề, chuyển từ việc săn bắt sang việc bảo tồn, những ngư dân thả rùa về biển, người dân vùng đệm khu bảo tồn thả thú về rừng và nhiều bài viết giàu cảm xúc, thể hiện sự yêu thương, gìn giữ, không tiêu dùng các loài hoang dã,

Một số sản phẩm dự thi, nhất là của các nhà báo, gây được ấn tượng mạnh trong công chúng, như các phóng sự truyền hình của VTV1, VTV2, truyền đi thông điệp không tiêu dùng các loài hoang dã nguy cấp, không tiêu dùng sừng tê, giúp người dân dần ý thức được hành vi tiêu dùng sừng tê giác là hành vi vi phạm pháp luật VN và công ước quốc tế, là hành vi dư luận trong và ngoài nước lên án, cần chấm dứt.

Hầu hết các bài dự thi đều kiến nghị Đảng và NN tăng cường chỉ đạo việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách, đạo đức môi trường, hành vi tiêu dùng trách nhiệm trong xã hội hiện đại, cụ thể:

+ Không tiêu dùng các loài hoang dã nguy cấp và các sản phẩm của chúng vì đó là hàng cấm, tiêu dùng là gây nguy cơ tuyệt chủng cho các loài nguy cấp, vi phạm pháp luật, công ước quốc tế, ảnh hưởng quan hệ quốc tế, hình ảnh đất nước. Cụ thể như sừng tê, là hàng cấm nên hành vi tiêu dùng sừng tê cần sự lên án của dư luận và chấm dửt.

+ Không tiêu dùng các loài hoang dã từ các khu bảo tồn, đó là vi phạm pháp luật.

+  Không nên tiêu dùng các loài hoang dã nói chung, đó là hành vi tiêu dùng trách nhiệm trong xã hội hiện đại bởi với 90 triệu dân, nhu cầu thực phẩm phải sản xuất theo lối công nghiệp mới có thể đáp ứng, tự nhiên không thể đáp ứng, cứ tiêu dùng (xã hội tiểu nông xưa kia, dân số lèo tèo, săn bắn, hái lượm) – sẽ thành nguy cấp hết. Đó là đạo đức môi trường, đã là cấp thiết vì MT suy thoái quá rồi.

+ Kiến nghị các bộ ngành tăng cường hoàn thiện môi trường pháp lý, nhất là nâng cao tính răn đe và định rõ trách nhiệm của từng ngành liên quan;

+ Kiến nghị các địa phương tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền cơ sở để tăng cường thực thi luật pháp. Nơi nào địa phương vào cuộc mạnh, coi việc đấu tranh chống buôn lậu, tiêu thụ trái phép là trách nhiệm không chỉ của lực lượng kiểm lâm mà thực sự của chính quyền – kết quả tốt. Để giảm suy thoái đa dạng sinh học, cần ưu tiên bảo tồn song hành với phát triển kinh tế.

+ Nhiều ý kiến cũng biểu thị sự hoan nghênh sự tham gia, giúp đỡ, đóng góp rất nhiệt tình của các tổ chức quốc tế, như WWF, TRAFFIC. 

Tại buổi lễ, Tiến sĩ Naomi Doak, trưởng đại diện mạng lưới giám sát buôn bán Động vật Hoang dã quốc tế (TRAFFIC) tại Việt Nam đã khẳng định TRAFFIC đã có cơ hội chứng kiến những cam kết của Việt Nam, với tư cách là một phần của cộng đồng toàn cầu, đang rất nỗ lực trong công cuộc đấu tranh với nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã nhằm đảm bảo trong việc bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ diễn ra ở Việt Nam hay trong khu vực mà trên quy mô toàn cầu. Tiến sỹ Naomi Doak cũng hoan nghênh sự hợp tác của Ban Tuyên giáo Trung ương, truyền thông quốc gia đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề này.

Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương,  đồng chí Trương Minh Tuấn đã biểu dương những nỗ lực của các đơn vị tổ chức cuộc thi, những người tham dự cuộc thi đã nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã.

Đồng chí Trương Minh Tuấn cũng khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và chú trọng việc bảo vệ môi trường, trong đó có việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chủ trương này được khẳng định tại nhiều văn kiện quan trọng như Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (Khoá IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Luật Đa dạng sinh học (được Quốc hội  thông qua tháng 11/2008) và gần đây nhất là Nghị quyết số 24 NQ/TW, ngày 3/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Việt Nam đã tham gia Công ước đa dạng sinh học, tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài hoang dã nguy cấp (CITES) từ rất sớm, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam trong bảo vệ các loài hoang dã của quốc gia và của toàn thế giới. Việt Nam là một trong những nước xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, và thường xuyên bổ sung sửa đổi để phù hợp với yêu cầu mới.  Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN có chiến lược quốc gia về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã, cũng là nước đầu tiên có định hướng tuyên truyền việc sử dụng bền vững tài nguyên động thực vật hoang dã. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững các loài hoang dã đã thu hút được đông đảo công chúng tham gia.

Nhằm tăng cường thực hiện Nghị quyết số 24 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng thời nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế giải quyết nạn buôn bán trái phép các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương, đồng chí Trương Minh Tuấn đã có một số ý kiến với các cơ quan báo chí về các hướng thông tin, tuyên truyền liên quan đến nội dung này, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát huy kết quả của cuộc thi. Các cơ quan thông tin đại chúng cần dành sự quan tâm đáng kể đến nội dung tuyên truyền tăng cường bảo vệ môi trường, ngăn ngừa suy thoái môi trường, suy thoái các loài hoang dã “tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã” (NQ 24).

Thứ hai,  tăng cường tuyên truyền pháp luật và việc thực thi pháp luật, hỗ trợ các cơ quan chức năng nhằm thực hiện NQ 24-TW “bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng” (NQ 24).

Thứ  ba, mở rộng tuyên truyền xây dựng “đạo đức môi trường” trong xã hội hiện đại với các hành vi phù hợp như không tiêu dùng các loài hoang dã, lên án các hành vi sử dụng sản phẩm của chúng như sừng tê giác, bảo tồn các loài hoang dã, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Thứ tư, bên cạnh đó, cần lưu ý trong việc tiếp cận thông tin, cần tiếp thu có chọn lọc, tránh một số biểu hiện của tình trạng gây nhiễu thông tin như biểu hiện trong việc nhìn nhận thực tế sử dụng sừng tê giác ở VN hiện nay.

Đồng chí Trương Minh Tuấn cũng tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến rộng rãi với nhiều hình thức phong phú để người dân tự giác không sử dụng sản phẩm của các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng đặc biệt là hổ, voi, tê giác để giữ gìn di sản thiên nhiên cho các thế thệ mai sau, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý, đẩy mạnh việc thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Toàn dân thực hiện không buôn bán, tiêu thụ trái phép sản phẩm của hổ, voi, tê giác và khuyến khích bạn bè quốc tế cùng thực hiện.

Ban Tổ chức đã trao một giải đặc biệt cho thí sinh Trần Xuân Hảo – Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam và thí sinh Phùng Mỹ Trung – cán bộ Hải quan Đồng Nai. 1 giải nhất được trao cho nhóm tác giả của báo Công an nhân dân. 2 giải nhì được trao cho thí sinh Trần Minh Hiếu (VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam) và thí sinh Nguyễn Văn Phúc (Báo Sài Gòn giải phóng). 2 giải ba được trao cho thí sinh Đỗ Văn Hùng, trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc và nhóm Sao Vàng, Học viện An ninh nhân dân.

Bảo Long

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất