Thứ Hai, 23/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 1/9/2013 10:48'(GMT+7)

Phát huy những thành quả hào hùng của Cách mạng Tháng Tám

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: Thu Hằng)

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: Thu Hằng)

Là một đảng viên với 47 năm tuổi Đảng, gần 45 năm nghiên cứu về lịch sử Đảng, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc vẫn bồi hồi xúc động mỗi khi những ngày thu tháng Tám lại về. Với ông, đó là những ngày cách mạng Tháng Tám hào hùng của dân tộc, là ngày Quốc khánh, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là ngày trở thành công dân của một nước độc lập. Được sinh ra đúng vào năm 1945 đầy ý nghĩa, ông luôn đau đáu trong mình sự biết ơn chân thành những thế hệ đi trước. Các thế hệ cha, anh đã làm nên sự phi thường, làm nên thành quả của cách mạng Tháng Tám, làm biến đổi đất nước, làm thay đổi vận mệnh của dân tộc, từ một xã hội thuộc địa nô lệ tiến lên một đất nước độc lập, tự do và mang lại hạnh phúc cho người dân, bắt đầu thời kỳ lịch sử mới của dân tộc.

Hơn thế, là một người nghiên cứu về lịch sử Đảng, đọc lại những tư liệu lịch sử của dân tộc, dựng lại bối cảnh lịch sử, càng nghiên cứu sâu, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc càng thấy đam mê và tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Bác Hồ kính yêu-Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, tự hào về thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sau này, sự hy sinh đó kéo dài suốt 30 năm để giành được độc lập, thống nhất trọn vẹn đất nước.

Những tình cảm chân thành đó chính là động lực thúc  đẩy ông nghiên cứu bài bản, căn cơ, để cho mọi người biết đến lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc một cách sâu sắc. Theo ông, nếu không hiểu được lịch sử sâu sắc thì dễ có nhận thức lệch lạc, thậm chí “nếu người nào không hiểu được lịch sử, dễ trở thành kẻ vô ơn”. Thờ ơ, quay lưng lại với lịch sử, bị tác động vào nhận thức khác sẽ dẫn tới nhận thức lệch lạc, nguy hiểm, không đúng đắn, có thể bị tác động bôi đen lịch sử, xuyên tạc lịch sử. Đấy là điều hết sức nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ: “Tôi càng nghiên cứu sâu về lịch sử dân tộc, về Đảng và Bác kính yêu, tôi càng thấy mình tự hào để tiếp tục phấn đấu cho xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước, góp phần nhỏ bé đưa đất nước phát triển tốt đẹp hơn, đáp ứng lý tưởng cao cả của cách mạng Tháng Tám đã mở ra là xây dựng đất nước  Việt Nam thật giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, xứng đáng với truyền thống của dân tộc, của cách mạng”.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại rất nhiều bài học lịch sử, vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

Bài học mà ông cho là lớn nhất, sau này chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng, 30 năm kháng chiến, xây dựng CNXH, rồi đổi mới chính là bài học về sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, đúng như Bác Hồ đã nói: Sự nghiệp cách mạng bắt đầu từ dân, cuối cùng cũng vì dân. Nếu làm được như thế, sức mạnh của nhân dân, dân tộc sẽ được phát huy đến cao độ, có thể vượt qua được tất cả khó khăn thử thách. Cách mạng Tháng Tám chính là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết cả dân tộc, đem sức ta tự giải phóng cho ta, chớp thời cơ để giành thắng lợi. Sau này, vẫn là sức mạnh của dân, chúng ta kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thắng lợi. Cũng chính sức mạng của dân tiến hành công cuộc đổi mới. Đảng ta vẫn luôn coi trọng sức mạnh của dân với phương châm “lấy dân làm gốc”. Chính nhân dân là người có sáng kiến để Đảng tổng kết, quyết định đường lối đổi mới. Chính nhân dân thực hiện được đường lối đổi mới, hiện thực hóa đường lối đổi mới, đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống để tiếp tục thực hiện Cương lĩnh của Đảng. Nếu không có sức mạnh của dân, chỉ có Đảng, có Nhà nước thôi thì sẽ không làm nên thành quả cách mạng.

Bài học thứ hai là bài học về Đảng cầm quyền. Từ năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền phải trở thành tầm cao trí tuệ về đạo đức thì Đảng đó mới lãnh đạo sự nghiệp thành công. Chúng ta cũng phải nhìn nhận lại, bản thân cách mạng Tháng Tám đã thể hiện tầm cao trí tuệ bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó có thể lôi cuốn của cả dân tộc. Đến kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, không chỉ là chủ nghĩa anh hùng mà nó còn thể hiện trí tuệ của Việt Nam. Đây cũng là đức hy sinh của Đảng Cộng sản, lôi cuốn, tập hợp, động viên toàn thể dân tộc thực hiện mục tiêu đấu tranh.

Sau khi thống nhất đất nước, xây dựng CNXH, đòi hỏi Đảng phải đổi mới tư duy lý luận, có tầm cao về trí tuệ. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, phải có đội tiên phong với lý luận tiên phong, hiểu biết và nắm vững quy luật, vận dụng những vấn đề của thời đại để có thể hội nhập, tham gia toàn cầu hóa có hiệu quả. Điều này không chỉ là mong muốn mà chính là tầm cao trí tuệ và đạo đức của Đảng Cộng sản.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định:  “Như Bác Hồ nói, Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đảng là trí tuệ thể hiện ở việc nắm vững lý luận, nắm vững quy luật, nắm vững chiều hướng phát triển của lịch sử, dự báo đúng đắn vấn đề. Trí tuệ là sự hiểu biết trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… chứ không chỉ có vấn đề đánh thắng giặc. Bên cạnh đó, phải luôn luôn chống những nguy cơ của Đảng cầm quyền. Bác Hồ luôn nói với các thế hệ lãnh đạo là phải phòng ngừa bệnh trong Đảng. Lê nin cảnh báo nguy cơ của Đảng cầm quyền là sai lầm về đường lối và quan liêu xa rời quần chúng nhân dân. Bây giờ, chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây chính là nguy cơ của Đảng cầm quyền, nguy cơ đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền. Cần hết sức chú ý để phòng ngừa những nguy cơ này trong khi chỉnh đốn Đảng theo hướng nâng cao của trí tuệ và đạo đức. Cần có tinh thần trách nhiệm chính trị cao để có thể sửa đổi, sửa chữa những yếu kém, tiêu cực hiện nay, không giấu diếm khuyết điểm. Đây cũng là đặc điểm hết sức quan trọng của Đảng cầm quyền”.

Bài học thứ ba là về xây dựng nhà nước. Cần phải nhấn mạnh là phải nắm vững bản chất nhà nước cách mạng. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh nhà nước của ta là nhà nước cách mạng kiểu mới. Bản chất của nhà nước cách mạng kiểu mới này Bác Hồ đã xác định ngay từ năm 1945 là nhà nước không phải để cai trị dân mà nhà nước phục vụ dân. Bác đã nói: các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là lo việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như chính quyền cũ. Đây là bản chất sâu sắc của nhà nước cách mạng Việt Nam. Vì thế, hiện nay chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo. Đây là một điều cơ bản, xuyên suốt, từ xây dựng Nhà nước cộng hòa dân chủ của cách mạng Tháng Tám đến nay xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đến nay, cần phải phấn đấu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý nhà nước bằng pháp luật.  Ông cũng nhấn mạnh, ngoài quản lý nhà nước bằng pháp luật, cũng cấn nhấn mạnh đến việc quản lý xã hội bằng cả đạo đức. Đương nhiên, nói đến nhà nước pháp quyền thì luật pháp là chủ yếu, nhưng chú ý quan hệ đạo đức điều chỉnh xã hội bền vững, sâu sắc. Đây là quan điểm là pháp trị và đức trị mà Bác Hồ đã rất coi trọng trong việc xây dựng Hiến pháp năm 1946.  Cán bộ công chức không có đạo đức thì dù hệ thống pháp luật có chặt chẽ đến mấy cũng dễ bị cán bộ công chức vô hiệu hóa.

Đây là những bài học của cách mạng Tháng Tám vẫn mang tính thời sự, vẹn nguyên giá trị lịch sử, là gạch nối từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị: Đảng cầm quyền, Nhà nước lãnh đạo, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc. Có thể nói thắng lợi của cách mạng Tháng Tám đã đặt nền móng vững chắc, tạo tiền đề cho thắng lợi của các thời kỳ sau.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, có làm cho tất cả mọi người hiểu được sâu sắc quá khứ hào hùng của dân tộc mới tạo dựng được niềm tin vào cách mạng một cách vững chắc, bền chặt.

Từ những bài học của lịch sử, ông cho rằng, đối mặt với nhiều tác động, thách thức,  nhưng chúng ta cần phải có niềm tin vững chắc vào thế trẻ Việt Nam thông minh, sáng tạo và năng động. Họ có bản lĩnh và trình độ, có tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quốc. Phải kết hợp chặt chẽ cả hai phương diện là niềm tin vào thế thệ trẻ và có trách nhiệm với thế hệ trẻ, khơi dậy mặt tích cực của thế hệ trẻ. Cần tập trung giáo dục sâu sắc vào tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính kết hợp với giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Các thế hệ cộng sản trước đây vẫn bắt đầu từ tinh thần yêu nước, rồi mới lý tưởng, trí tuệ cộng sản. Đó là bài học của lịch sử về giáo dục mà chúng ta cần phải làm theo. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết: “Lý tưởng cách mạng của chúng ta không có gì cao siêu, chỉ là làm sao giữ cho được độc lập dân tộc, xây dựng và đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.” .

Đảng và Nhà nước cũng cần thực hiện trách nhiệm của mình với thế hệ trẻ, đào tạo thế hệ trẻ nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo dựng cuộc sống ổn định cho họ. Cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ khoa học và cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo ra một thế hệ kế cận để không bị hụt hẫng về cán bộ. Có những chính sách khuyến khích phát hiện những nhân tài của đất nước. Bản thân người có tài năng phải mạnh dạn đề xuất và cống hiến cho đất nước và Tổ quốc, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Đây chính là những cách thiết thực nhất để toàn Đảng, toàn dân phát huy thành quả hào hùng của cách mạng Tháng Tám!

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất