Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 16/12/2016 14:57'(GMT+7)

Góp phần nâng cao hiệu quả học tập của học sinh vùng khó

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) giai đoạn 2010-2016.

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) góp phần cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, nâng cao hiệu quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau thông qua việc chuyển đổi các trường tiểu học sang dạy, học cả ngày. Chương trình đã được thực hiện trong 7 năm ( từ 2010 đến 2016) tại 36 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn với 284 huyện (trong đó có 57/62 huyện nghèo nhất của cả nước).

Sau 7 năm thực hiện, đã có hơn 1,1 triệu học sinh được thụ hưởng từ Chương trình SEQAP. Đến cuối năm học 2015-2016, chương trình có sự tham gia của 1628 trường tiểu học, trong đó có 1395 trường tổ chức cho 100% học sinh được học cả ngày tại trường, chiếm tỷ lệ 85,7%. Số trường còn lại do có điểm trường lẻ khó khăn, xa điểm trường chính, ít học sinh nên chưa tổ chức học cả ngày. Đầu năm học 2016-2017 không còn sự hỗ trợ của SEQAP nhưng 100% trường tham gia vẫn triển khai dạy học cả ngày với các phương án phù hợp. Đồng thời, các địa phương đã mở rộng mô hình dạy học cả ngày cho các trường ngoài SEQAP. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy học cả ngày tới tháng 9/2016, đã có 1286 trường/36 tỉnh được bổ sung xây dựng cơ bản với hơn 2000 phòng học, 1289 nhà vệ sinh và 262 phòng học đa năng được xây mới. Một hoạt động mang tính nhân văn của SEQAP là cung cấp bữa ăn trưa tại trường gắn với các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số thông qua quỹ phúc lợi học sinh và quỹ giáo dục nhà trường...

SEQAP cũng đặc biệt quan tâm tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy học cả ngày. Đã có 8500 lượt giảng viên cốt cán được đào tạo làm nòng cốt; có hơn 900 ngàn lượt giáo viên và hơn 146 ngàn lượt cán bộ quản lý được bồi dưỡng, tập huấn các mô đun, trong đó có hàng trăm ngàn lượt người thuộc các trường ngoài SEQAP.

Một thành tựu quan trọng của SEQAP trong thời gian qua là đã xây dựng, đề xuất lộ trình chuyển đổi trường tiểu học từ dạy học 1 buổi/ngày sang dạy học cả ngày giai đoạn 2016-2020 với các phương án có tính khả thi để các trường tiểu học áp dụng phù hợp với khả năng địa phương...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Sau 7 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp 1 phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trường tiểu học vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và thực hiện công bằng trong giáo dục. Những kết quả của chương trình cũng góp phần vào thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020”, với chỉ tiêu 90% các trường tiểu học sẽ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa 11 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Thứ trưởng cũng đề nghị, để duy trì và phát triển kết quả đã đạt được, đảm bảo tính bền vững như mục tiêu ban đầu đã đề ra, UBND các tỉnh quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện để các trường tiểu học trong, ngoài SEQAP tiếp tục thực hiện mô hình dạy học cả ngày trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời có lộ trình, kế hoạch chuyển đổi các trường tiểu học dạy học 1 buổi/ngày còn lại ở địa phương sang dạy học cả ngày. Giáo viên và cán bộ quản lý các trường SEQAP tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục tiểu học có chất lượng thông qua mô hình dạy học cả ngày.

Đánh giá hiệu quả và tác động của SEQAP, ông Michel J.Welmond (Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) nhận định: SEQAP có ý nghĩa và tác động quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục cơ bản tại Việt Nam. Đây là chương trình quan trọng và kịp thời, đáp ứng nhu cầu dạy học cả ngày cho học sinh vùng khó khăn tại Việt Nam – bước quan trọng giúp đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng với giáo dục chất lượng./.

Ngọc Anh/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất