Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 10/12/2016 21:28'(GMT+7)

Cần xây dựng hệ giá trị để giáo dục, phát triển nhân cách con người

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo “Hệ giá trị - Mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được triển khai nhằm khắc phục tình trạng giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và xã hội. Mục tiêu giáo dục cô đọng lại theo tinh thần Nghị quyết 29 là “học và dạy làm người”. Nghĩa là nhà trường phải giúp học sinh, sinh viên có phẩm chất, năng lực, đạo đức, kiến thức và kỹ năng để trở thành những người lao động tự chủ và sáng tạo, những công dân có trách nhiệm đối với đất nước, xã hội, đủ khả năng bảo vệ và xây dựng đất nước trong một thế giới toàn cầu hóa. 

N hằm góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cùng với một số nhà khoa học giáo dục, văn hóa thực hiện đề tài khoa học “Hệ giá trị - mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” nhằm đưa ra những đề xuất trong xây dựng chính sách giáo dục. 

Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết: Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bản khuyến nghị về hệ giá trị mà nhà trường cần tập trung giáo dục, hình thành ở học sinh, sinh viên. Trong đó, hệ giá trị nền tảng gồm: Yêu lao động, tinh thần hợp tác, yêu nước; Hệ giá trị cốt lõi gồm: Tự chủ, trung thực, ham hiểu biết ham học hỏi, nhân ái, ý thức trách nhiệm, yêu hòa bình, yêu thiên nhiên và ý thức thượng tôn pháp luật. 

Các giải pháp để chuyển hóa hệ giá trị thành các giá trị của mỗi cá nhân, về lâu dài cần kiến tạo văn hóa học đường; giải pháp then chốt là phát huy vai trò của người đi đầu, của hiệu trưởng và vai trò nêu gương của nhà giáo; cùng với đó cần khắc phục tình trạng phân rã văn hóa, tạo sự gắn kết giữa ba môi trường gồm: nhà trường, gia đình và xã hội... 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là trách nhiệm của cả xã hội, nhưng ảnh hưởng của nhà trường sư phạm và giảng viên đối với nhiệm vụ này rất quan trọng. Bởi trường sư phạm và giảng viên là những người trực tiếp đào tạo giáo viên – những người ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng hệ giá trị của học sinh./. 

Thu Hoài/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất