Thứ Hai, 6/5/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Sáu, 20/10/2023 8:38'(GMT+7)

Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Quang cảnh buổi Tọa đàm "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam"

Quang cảnh buổi Tọa đàm "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam"

Bất chấp mọi khó khăn do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19, xung đột Nga và Ukraina làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu; nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn,... nhưng sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt khá. Kết quả hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung – đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.

Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao; thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung – đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành phát triển ổn định. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.

Chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, thiếu ổn định, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn rất hạn chế trong khi các yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. tổ chức sản xuất chuyển đổi chậm, vẫn chủ yếu dựa vào hộ sản xuất quy mô nhỏ (9,1 triệu hộ nông dân), thiếu bền vững khi xu hướng tăng đầu vào để nâng cao năng suất và phòng, chống dịch bệnh phức tạp còn khá phổ biến. Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế chiếm chủ yếu, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại so với nhiều nước khác. Năng lực chủ động và khả năng thương thuyết trong thương mại quốc tế, năng lực phân tích thông tin và dự báo thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thương mại, logistics, giao thông vận tải không đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu nội địa. Việt Nam thiếu các trung tâm kết nối nông sản tại các vùng miền, thiếu hệ thống kho ngoại quan và trung tâm hậu cần phục vụ xuất khẩu. Các trung tâm logistics kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng đúng mức.

Theo đồng chí Trần Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương), có 5 thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh khi Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, song đây cũng là thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước trước xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.

Thứ hai, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao. Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải cacbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Thứ ba, sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Những biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới như dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, xung đột lãnh thổ trong các khu vực và giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia dẫn đến xu hướng bảo hộ gia tăng.

Thứ tư, đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ. Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường đối với xuất khẩu nông sản chủ lực, cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là công nghệ số như hiện nay.

Thứ năm, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang đe dọa đến tính phát triển bền vững của nông nghiệp. Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu, vì vậy thách thức trực tiếp và lâu dài đến sản xuất nông nghiệp là tác động của biến đổi khí hậu. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Theo tính toán, nếu mực nước biển dâng cao sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng bị ngập và không còn khả năng canh tác.

Những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam cần phải có những chính sách đồng bộ và hiệu quả để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế trung ương đánh giá, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Sự phát triển khiêm tốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp.

Ngoài ra, tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt, khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp. “Tổ chức thực hiện nửa vời nên việc hỗ trợ chưa hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn” ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, đồng chí Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp.

Theo đồng chí Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu kém, thể hiện ở việc các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa cập nhật công nghệ sản xuất, chưa chuyên nghiệp quản lý sản xuất và thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Cùng với đó, thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.

Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực nên các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn đang gặp phải điểm yếu liên quan đến chất lượng sản phẩm của mình.

Đặc biệt, doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, để tổ chức sản xuất diễn ra phổ biến ở hầu hết địa phương.

Hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội tăng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có lợi thế hơn trong thương mại, nhiều cơ hội lựa chọn thị trường và đối tác, giảm mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh hội nhập với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU phải đáp ứng được các yêu cầu về tăng trưởng xanh và giảm phát thải. Bên cạnh đó, EU rất quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn dịch bệnh, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới.

Trước đó, tháng 7-2021, EU đã trình đề xuất về quy định thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Mục tiêu của CBAM là giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon do các chính sách khí hậu thiếu chặt chẽ của các quốc gia không thuộc EU, đồng thời bổ trợ cho Cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải của EU (EU-ETS)./.

Thanh Tú

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất