Ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức họp mặt báo chí thông báo về những kết quả đã đạt được và những hoạt động tiếp theo của dự án “Sáng kiến Bình đẳng giới và Giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn”.
Phát biểu khai mạc, bà Sun Lei, cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh: “Bình đẳng giới là một yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững và là nền tảng của xã hội hòa nhập và hòa bình. Việc đảm bảo các em học sinh gái và trai có quyền tiếp cận giáo dục có chất lượng là một bước quan trọng đảm bảo bình đẳng giới, đáp ứng các mục tiêu phát triển quốc gia và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là những Mục tiêu liên quan tới giáo dục và bình đẳng giới”.
Nêu bật vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc hình thành, định hướng, củng cố ý kiến cộng đồng và xã hội, bà Sun Lei khẳng định, các phương tiện truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện quyền giáo dục của trẻ em gái, phụ nữ và định hình tư duy của công chúng về vấn đề giới.
Bà Trần Thị Phương Nhung, cán bộ quản lý chương trình của UNESCO đã trình bày Kế hoạch hành động 2016-2020 về Bình đẳng giới cho ngành giáo dục; tài liệu khuyến nghị về tăng cường yếu tố bình đẳng giới vào giai đoạn hai của Kế hoạch phát triển chiến lược giáo dục bền vững (EDSP); tài liệu hướng dẫn về lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình và sách giáo khoa cùng một số hoạt động chính của Sáng kiến cho đến nay.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiêm Phó Chủ tịch Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Kim Tự thông báo những kết quả đạt được trong xây dựng Kế hoạch hành động 2016 - 2020 về Bình đẳng giới cho ngành Giáo dục. Kế hoạch hành động đang trong giai đoạn dự thảo thứ hai và bao gồm 7 chỉ tiêu, 36 mục tiêu và các giải pháp giải quyết các vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục như: nhận thức về giới, bình đẳng giới và tầm quan trọng của dữ liệu phân chia theo giới.
Trao đổi về những hoạt động tiếp theo, ông Ngô Minh Hiền, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực của các nhà báo, phóng viên để sản xuất tin, bài, chương trình về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái, phụ nữ trong cộng đồng...
Sáng kiến Bình đẳng giới và Giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Văn phòng UNESCO khởi động vào tháng 8/2015 để tăng cường việc thực hiện quyền của trẻ em gái và phụ nữ về giáo dục và loại bỏ những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt tại gia đình, trường học và cộng đồng. Sau lễ khởi động, Sáng kiến Bình đẳng giới và giáo dục trẻ em tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc tăng cường năng lực cho ngành Giáo dục nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong lập kế hoạch, quản lý, lồng ghép giới trong chương trình hoạt động và sách giáo khoa./.
Đinh Thùy Dung/TTXVN