Thứ Hai, 23/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 6/3/2016 14:15'(GMT+7)

Góp phần xây dựng, củng cố "cột mốc lòng dân"

Cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 42 và đoàn thanh niên địa phương giúp gia đình ông Choỏng Bắc Tài, bản Phình Hồ, xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) xây nhà bếp, nhà vệ sinh.

Cán bộ, chiến sĩ Lâm trường 42 và đoàn thanh niên địa phương giúp gia đình ông Choỏng Bắc Tài, bản Phình Hồ, xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) xây nhà bếp, nhà vệ sinh.

Ông Ký cho biết: Ba yếu tố đóng góp vào thành công trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã vùng biên Bắc Sơn, đó là: Người nông dân thực sự đã phát huy vai trò là chủ thể trong phong trào. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở có chất lượng, trẻ tuổi linh hoạt, đi sâu, đi sát cơ sở, dám làm dám chịu trách nhiệm. Hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu được nhà nước đầu tư được khai thác, sử dụng có hiệu quả phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Bắc Sơn là xã vùng cao, biên giới và là một trong ba xã nghèo nhất của thành phố Móng Cái. Toàn xã có 430 hộ với 1.745 khẩu, gồm bốn dân tộc anh em: Kinh, Dao, Tày, Sán Chỉ, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 75% tổng dân số.
Thành công lớn nhất sau gần 5 năm xây dựng nông thôn mới ở Bắc Sơn là làm thay đổi được nhận thức của nhân dân các dân tộc về cách ăn, cách ở và cách chăn nuôi. Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn Nguyễn Hữu Toàn cho biết: tâm sự: Cán bộ xã luôn duy trì hiệu quả chế độ “đi cơ sở”, cùng xuống tận thôn, bản để cầm tay, chỉ việc, cùng cày cuốc, cùng tham gia dọn vệ sinh…Ở đây, bà con thấy cán bộ làm, mới thấy tin yêu, cảm mến và có tin tưởng thì mới có thể nghe theo. Từ đó, mỗi khi cán bộ tuyên truyền vấn đề gì, bà con mới nghe, mới học…

Cách đây 2 năm, một nửa số hộ gia đình nơi đây không có công trình phụ, không có nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn hỗ trợ mỗi hộ 3,5 triệu đồng để xây mới nhà vệ sinh, nhà tắm. Ban đầu xã vận động cán bộ xã, các tổ trưởng, khu trưởng nêu gương làm trước, làm mẫu cho người dân trong từng thôn, bản hiểu và nhận thấy ưu điểm, tiện ích khi xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh kiểu mẫu.

Bí thư Toàn cho hay: Để xây một công trình phụ chi phí phải mất tới từ 15 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi dân hiểu vấn đề thì nhà nào cũng dồn tiền thậm chí bán trâu, bán bò đi để cùng với nhà nước xây mới nhà vệ sinh. Tiêu biểu nhất là gia đình ông Chỏong Sao Chắn, trú tại bản Phình Hồ đã chi tới 15 triệu đồng để xây mới nhà tắm, nhà vệ sinh, cải tạo lại gian bếp. Đến nay, Bắc Sơn đã có thêm gần 190 công trình phụ sạch đẹp đã hoàn thành. Đây quả đúng là một cuộc "cách mạng" về thay đổi thói quen sinh hoạt, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ăn ở kém vệ sinh để nhường chỗ cho tư tưởng và cách sống đổi mới của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Sơn.

Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Phùng Đình Hùng cho biết: Song song với việc thay đổi thói quen sinh hoạt, xã cũng tập trung vào việc nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách mời gọi các doanh nghiệp và đơn vị vào cùng làm với dân, đưa các kỹ thuật, mô hình kinh tế đến với dân như: Trồng mía tím ở thôn Phìn Hồ cho năng suất cao; nuôi lợn giống Móng Cái. Anh Đặng Văn Cường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cường Phát cho biết mô hình nuôi lợn Móng Cái đạt hiệu quả kinh tế cao, không đủ sản phẩm đầu ra cung cấp cho thị trường. Đây sẽ là hướng làm ăn mới có thu nhập cao, ổn định cho người dân Bắc Sơn.

Thành phố Móng Cái đang chuẩn bị mở tua du lịch trải nghiệm vùng biên tới các xã giáp biên như Bắc Sơn, Hải Sơn, Vinh Thực… Đây sẽ là cơ hội cho người dân Bắc Sơn tiếp cận với ngành nghề du lịch vừa làm kinh tế tăng thu nhập, vừa được giao lưu văn hóa với mọi
vùng miền.

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay Bắc Sơn đã đạt 36/39 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí quốc gia quy định
về xã chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn vùng biên từng ngày đổi thay, kinh tế người dân dần ổn định là nền tảng cho người dân bám đất, bám biên giữ vững cột mốc nơi miền biên cương phía Bắc của Tổ quốc./.

Văn Đức/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất