Thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng
nông thôn mới, đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 10 xã đã “về đích” (đạt
19/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới); làm mới hơn 2.700 km đường bê
tông nông thôn; xây dựng tu sửa 140 công trình thủy lợi, kiên cố trên
120 km kênh mương nội đồng... Diện mạo ở khắp các làng quê Tuyên Quang
đã có sự đổi thay rõ rệt.
Xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là nơi từng diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Hiện nay, xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; trên 95% hộ gia đình được sử dụng điện an toàn; 100% trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia... Được biết, trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Kim Bình đã tập trung phát huy “nội, ngoại lực”, huy động được hơn 101 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 24 tỷ đồng để thực hiện hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Xã Kim Bình hiện có 1.161 hộ dân với 4.943 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày, Dao. Những năm qua, phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, đồng bào các dân tộc trong xã luôn một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, cần cù lao động, phát triển kinh tế - xã hội, đói giảm nghèo. Đặc biệt, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân Kim Bình đã đồng lòng, từng bước thực hiện thành công. Trong 5 năm qua, toàn xã đã nhựa hóa, bê tông hóa được gần 58 km đường các loại, cải tạo được 1 hồ chứa nước, xây mới gần 3 km kênh mương bê tông. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, Kim Bình đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi và trồng cây đặc sản; xây dựng xưởng chế biến mắm cá ruộng với diện tích 120 m2, tổng kinh phí đầu tư trên 600 triệu đồng. Hiện, sản phẩm mắm cá của Kim Bình đã được đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và có thương hiệu là “Mắm cá Cổ Linh”. Xã cũng đã xóa nhà tạm cho 59 hộ, cơ bản đạt “3 cứng” (cứng nền, cứng khung, cứng mái), giúp người dân ổn định cuộc sống; tỷ lệ hộ nghèo tại xã đã giảm, chỉ còn hơn 6,3%...
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, ông Đào Ngọc Vang cho biết: Đảng bộ và các dân tộc xã Kim Bình xác định phải thực hiện sao cho xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng. Để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đề ra, xã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về mục tiêu của chương trình, bởi khi người dân hiểu và hưởng ứng thì thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện chương trình cần chủ động lựa chọn, xác định các hạng mục ở các tiêu chí thực hiện thiết thực với mong muốn, nguyện vọng cũng như khả năng tham gia đóng góp của nhân dân để triển khai trước như: Làm đường giao thông nông thôn; kênh mương nội đồng; xây nhà văn hóa thôn… Địa phương đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi. Khi phát huy được tinh thần chủ thể của người dân, khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Điển hình như, để xây dựng nhà văn hóa thôn bản, bình thường sẽ phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng, nhưng nhờ có sự đóng góp và giám sát của người dân nên chi phí đầu tư giảm còn 310 triệu đồng/ nhà văn hóa...
Được biết, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn; lúc đó bình quân các xã đạt 2,8 tiêu chí/xã. Không những vậy, dân số chủ yếu làm nông nghiệp, số hộ nghèo cao, diện tích đất xây dựng, khu dân cư, đất sản xuất còn rất hạn chế…Trước những khó khăn trên, tỉnh Tuyên Quang xác định không đồng loạt thực hiện cả 19 tiêu chí, mà lựa chọn tiêu chí phù hợp điều kiện của tỉnh được ưu tiên làm trước. Tỉnh Tuyên Quang đã chọn triển khai chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn và giáo dục mầm non làm khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Do cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, xã đã huy động được sức dân, tạo nguồn lực lớn, nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ủng hộ tiền, vật liệu, hiến đất làm đường, làm nhà trẻ, nhà văn hóa thôn, bản.
Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn tỉnh Tuyên Quang huy động gần 7.256 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Nhà nước lồng ghép các chương trình, dự án là hơn 1.920 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 4.066 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 914 tỷ đồng… Từ các nguồn vốn trên, toàn tỉnh Tuyên Quang đã bê tông hóa được 2.700 km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới và nâng cấp trên 200 công trình nhà văn hóa thôn bản và trên 150 sân thể thao thôn bản và liên thôn bản; cải tạo, nâng cấp 70 trạm biến áp, hơn 80 km đường dây trung thế, trên 367 km đường dây hạ thế; xây dựng trên 700 phòng học, một số hạng mục phụ trợ của trường học, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…
Thời gian tới, để duy trì và phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; lựa chọn những nội dung thiết thực, phù hợp để tuyên truyền vận động, khơi dậy tinh thần tự giác trong cộng đồng chung sức xây dựng nông thôn mới. Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh Tuyên Quang cũng hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại…; xây dựng mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Năm 2016, Tuyên Quang phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; bình quân các xã đạt 11 tiêu chí/xã; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới. Tỉnh cũng nâng cao hơn nữa nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân./.
Vũ Quang Đán/TTXVN