Bên cạnh những nội dung cơ bản về chế độ chính trị, bộ máy nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam..., Hội nghị đã tập trung thảo luận về các vấn đề phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và vai trò, vị trí của tổ chức Hội.
Đa số ý kiến khẳng định, Dự thảo đã cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, các vấn đề lớn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, các văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Tán thành và đánh giá cao nhiều quy định trong Dự thảo liên quan đến vấn đề phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, nhiều ý kiến cho rằng về cơ bản các quy định này đã được kế thừa, bổ sung theo nguyên tắc bình đẳng và được quan tâm hơn.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, qua tổng hợp ý kiến đóng góp, thảo luận của các cấp Hội và phụ nữ cơ sở, nổi lên một số vấn đề được các tầng lớp phụ nữ quan tâm, đặc biệt là vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới thể hiện trong Điều 27 của Dự thảo. Nhiều ý kiến đề nghị giữ lại trong Điều này một số quy định tại Điều 63 Hiến pháp năm 1992, nhằm vừa bảo đảm bình đẳng giới vừa tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện vai trò làm mẹ, tái tạo nòi giống, nguồn nhân lực của đất nước. Đồng thời, sửa đổi theo hướng: Không chỉ lao động nữ có quyền hưởng các chế độ thai sản như Hiến pháp hiện hành, mà đó là quyền của phụ nữ bởi ngoài lao động nữ còn có nữ nông dân, chị em nội trợ, buôn bán nhỏ... Đặc biệt, đề nghị có quy định phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số có quyền được hưởng chế độ thai sản hoặc được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều hình thức; có chính sách tổ chức việc đóng bảo hiểm thai sản tự nguyện... Mặt khác, Dự thảo quy định nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau nhưng trên thực tế, để thực hiện, cần có cơ hội và cơ hội đến với nam - nữ không như nhau do những khác biệt về thiên chức. Do đó, Nhà nước cần tạo điều kiện, cơ hội như thế nào cho phù hợp với đặc thù giới tính của phụ nữ.
Liên quan đến các nội dung này, các ý kiến đề nghị bổ sung quy định: Hưởng chế độ thai sản là quyền của phụ nữ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ phụ nữ khi sinh con không kể là phụ nữ có quan hệ lao động hay không. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo cơ hội để phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng, tham gia quản lý lãnh đạo. Lao động nam, nữ làm việc có giá trị ngang nhau thì tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội như nhau. Công dân nam, nữ có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ nhau trong gia đình và ngoài xã hội.
Việc sửa lại Điều 27 theo hướng trên nhằm khẳng định nguyên tắc bình đẳng không chỉ có quyền (khía cạnh pháp luật) mà còn phải bảo đảm về cơ hội (khía cạnh thực tế) cho nam, nữ trên tất cả các lĩnh vực, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; phù hợp với các Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Mặt khác, khẳng định nguyên tắc hợp tác, chia sẻ của công dân để gánh nặng công việc không dồn lên một người; mỗi người đều có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền con người, quyền công dân của mình; khẳng định đặc thù của phụ nữ và mối liên hệ đặc biệt giữa phụ nữ và trẻ em. Thực tế đã chứng minh nếu những vấn đề của nam, nữ không được quan tâm một cách hợp lý theo hướng bảo đảm hài hòa cả quyền và cơ hội cho mỗi người phù hợp với giới tính, sẽ có nguy cơ tạo nên khoảng cách mà bất lợi luôn nghiêng về phụ nữ và trẻ em gái. Các ý kiến nhấn mạnh: Khi các quy định về phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm trong Điều này sẽ khẳng định quyền bảo đảm sinh sản an toàn của phụ nữ; giảm bớt gánh nặng công việc cho phụ nữ; bảo đảm cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức của mình.
Đề cập vấn đề gia đình và trẻ em, các ý kiến đồng tình cao đề nghị giữ các quy định của điều 64 trong Hiến pháp hiện hành: Gia đình là tế bào của xã hội nhằm khẳng định vai trò của gia đình, nhất là trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó là những quy định mang giá trị truyền thống tốt đẹp như cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con trở thành những công dân tốt, con cháu phải có bổn phận kính trọng, chăm sóc cha mẹ ông bà. Đa số ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo dễ dẫn đến hiểu không đúng về hôn nhân, ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của gia đình. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm một số quy định để khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của gia đình, trách nhiệm của Nhà nước và công dân đối với việc xây dựng, giữ gìn và bảo đảm tính bền vững của gia đình.
Về Điều 40 của Dự thảo, các ý kiến đề nghị nghiên cứu thiết kế bảo đảm đầy đủ cả 4 nhóm quyền của trẻ em (quyền sống, quyền phát triển, quyền tham gia và quyền được bảo vệ). Đồng thời, giữ lại quy định của Điều 66 về thanh niên và bổ sung thêm “người chưa thành niên”. Sau khi bổ sung, Điều này nên có 4 khoản quy định về trẻ em, người chưa thành niên, thanh niên và quy định chung về các hành vi nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh việc nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính.
Bàn về quy định tại Điều 62 Dự thảo, một số ý kiến cho rằng cần thể hiện đầy đủ hơn các khía cạnh liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân đối với người mẹ và trẻ em và đề nghị bổ sung 2 quy định: Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm cơ hội bình đẳng và hỗ trợ các điều kiện theo đặc thù giới tính để phụ nữ thực hiện tốt quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và thiên chức người mẹ. Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo cơ hội và hỗ trợ điều kiện để trẻ em, nhất là trẻ em gái phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện tốt vai trò người công dân, người mẹ, người cha trong tương lai.
Một trong những vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là về vai trò, vị trí của Hội LHPN Việt Nam. Các ý kiến cho rằng, Hội LHPN Việt Nam vừa là tổ chức chính trị xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, đồng thời đại diện cho hơn một nửa dân số, có vai trò đặc biệt trong việc tái tạo nguồn nhân lực quốc gia. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung thêm một điều quy định về Hội, với trách nhiệm tham gia xây dựng, đề xuất, phản biện, giám sát chính sách, pháp luật và đoàn kết,vận động phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Vị trí, trách nhiệm của Hội nếu được thể hiện rõ trong Hiến pháp sẽ bảo đảm cơ hội cho Hội tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ cho phụ nữ có chất lượng và hiệu quả hơn.
Cũng trong chiều 13/3, Ban Chấp hành mở rộng Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã cho ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)./.
Theo TTXVN