Sinh động các hình thức tuyên truyền
Mới đây, Báo Hà Giang, Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang mở chuyên mục "Kể chuyện về Bác". Ðó là những câu chuyện theo chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được ghi lại theo lời kể của GS, TS Hoàng Chí Bảo. Anh Vũ Quang, ở tổ 3, phường Minh Khai, TP Hà Giang, cho rằng, những câu chuyện ngắn gọn, sinh động, chân thật về Bác qua chuyên mục càng làm cho người xem hiểu hơn về cuộc sống gần gũi, giản dị, về tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người, từ đó soi rọi mình để học tập và làm theo gương Bác.
Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh Hà Giang đã sáng tạo, cụ thể hóa phù hợp đối tượng, lứa tuổi, gắn với phát động thi đua thực hiện tám lời căn dặn của Bác Hồ khi Người lên thăm Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị các huyện, thành phố tiếp tục duy trì, bổ sung những nội dung mới về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung giảng dạy môn lý luận chính trị. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy của tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng thời với thực hiện các chỉ thị của Tỉnh ủy về đổi mới về phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh; về tăng cường giám sát việc thực hiện "nói đi đôi với làm" đối với cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành và cơ sở... Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh có phong trào Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác gắn với nhân rộng mô hình đôi bạn cùng tiến trong học tập và làm theo Bác. Năm học vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình dạy và học. Các trường phổ thông tích hợp bộ tài liệu "Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh" trong môn đạo đức, giáo dục công dân với các hoạt động giáo dục ngoài giờ, sinh hoạt đoàn, đội. Nhiều trường ở các huyện Bắc Quang, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì duy trì hiệu quả "mỗi tuần kể một câu chuyện về Bác" vào giờ chào cờ đầu tuần. Huyện ủy Bắc Quang đã cụ thể hóa thành các nội dung học tập và làm theo phù hợp chức năng, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể các cơ quan, đơn vị. Các tổ chức cơ sở đảng đưa nội dung những lời Bác căn dặn vào nghị quyết để lãnh đạo thực hiện; phân công từng thành viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở phụ trách từng lĩnh vực cụ thể, định kỳ hằng quý tiến hành kiểm điểm, đánh giá quá trình thực hiện ở đơn vị mình.
Những việc làm thiết thực
Ðồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, do làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương thực hiện nói đi đôi với làm của các cấp ủy, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã tạo sức lan tỏa cả chiều rộng và chiều sâu, xuất hiện những nhân tố tích cực, nhiều mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng. Ðảng bộ Công ty Ðiện lực Hà Giang có sáng kiến cải tiến phương pháp quản lý. Ðảng bộ Công ty Xăng dầu có phong trào tiết kiệm chi phí, tăng sản lượng kinh doanh. TP Hà Giang có nhóm tín dụng tiết kiệm, hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên sôi động với phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Nhiều đảng viên ở cơ sở trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Ðảng viên trẻ Vàng Thìn Nghì, Chi bộ thôn Ðông Tinh, xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) đã không ngại khổ, vượt khó, mày mò, tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu thành công việc nhân giống và sản xuất cây dược liệu đương quy. Anh Nghì cho biết: "Khi lên thăm Hà Giang, Bác Hồ kính yêu của chúng ta nhắc đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất để mọi người có áo ấm, được cơm no. Lời dạy của Người đã thôi thúc tôi kiên trì tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm việc nhân giống và trồng đại trà cây đương quy. Hiện nay, gia đình anh có hơn 10 ha với 40 triệu cây giống cung cấp cho thị trường, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm". Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Nghì còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, vận động người dân trong vùng tham gia liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tại huyện Hoàng Su Phì, ngoài hàng trăm mô hình đã được nhân rộng như: nuôi ếch của ông Thèn Xuân Tiến, Nùng Quốc Phong (xã Nậm Khòa); nuôi cá chép của ông Phàn Văn Cháng (xã Túng Sán); VAC của ông Vần Kim Ðưởng (xã Thông Nguyên); nuôi lợn đen của ông Vương Xuân Minh (xã Nam Sơn)..., người dân một số xã còn duy trì có hiệu quả việc sản xuất theo nhóm sở thích như: Nuôi dê, trồng dưa hấu, trồng giống đậu tương chất lượng cao…
Ở huyện Quang Bình, theo đồng chí Trần Văn Hòa, Bí thư Huyện ủy, chuyển biến rõ nhất của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là các cơ quan, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, coi đây là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đóng góp hơn 20 nghìn ngày công lao động và hiến hơn 15 nghìn m2 đất để cùng huyện nâng cấp hơn 50 nghìn m2 đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, xây dựng trụ sở thôn. Người nông dân đã có ý thức sản xuất hàng hóa tập trung, coi trọng chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi, nhất là bà con ở các xã vùng ba đã chuyển khá mạnh từ độc canh sang luân canh, thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp; phát triển các cây con chủ lực như cam, quýt, chè, lạc, ngô, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm để nâng cao thu nhập. Nhiều hộ biết cách ủ cây xanh làm phân hữu cơ nhằm tiết kiệm nguồn đầu tư cho sản xuất, cải tạo đất canh tác, cải thiện môi trường, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao và trồng rừng; phát triển sản xuất theo hướng thôn tự chủ tự quản, thành lập hợp tác xã hoặc các tổ hợp tác ở thôn, trồng cây theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.