Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tỉnh ủy Hà Nam triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua đó, những vướng mắc, hạn chế đã được tháo gỡ, góp phần tích cực cải thiện chất lượng sống của nhân dân, củng cố uy tín của tổ chức đảng và chính quyền các cấp.
Chuyển biến từ cơ sở
Gần 11 giờ trưa, chúng tôi có mặt tại bộ phận “một cửa” trụ sở UBND xã Văn Lý, huyện Lý Nhân. Các cán bộ vẫn chăm chú với công việc; người dân thực hiện các thủ tục hành chính bình thường. Bà Nguyễn Thị Mai (xóm Quan Trung) cho biết: “Trước kia chúng tôi đi làm thủ tục gì mà liên quan đến việc xin dấu và xác nhận của xã thì phải đi thật sớm, nhưng bây giờ không thế nữa rồi. Từ thứ hai đến thứ bảy, cứ trong giờ hành chính, lúc nào cũng có cán bộ trực giải quyết thủ tục hoặc giải đáp, hướng dẫn. Bà con ai cũng công nhận có việc phải đến xã bây giờ thuận lợi hơn trước nhiều”.
Những năm trước, Văn Lý được biết đến là một xã nghèo của huyện Lý Nhân, trong xếp loại các mặt công tác hằng năm của xã còn nhiều mặt yếu. Tình trạng đó có nguyên nhân do năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã còn nhiều yếu kém, nên hiệu quả công việc thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Mấy năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, Đảng ủy xã Văn Lý đã tập trung vào công tác kiểm điểm, thắng thắn đánh giá những mặt đã làm được và chỉ rõ nguyên nhân các mặt còn hạn chế của tập thể cán bộ và cá nhân từng đồng chí, đồng thời đưa ra lộ trình khắc phục cụ thể, phù hợp.
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Ngọc Tú cho biết: Qua việc kiểm điểm, trách nhiệm của tập thể và của cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu được xem xét nghiêm túc, gắn với giải pháp, lộ trình khắc phục hạn chế một cách cụ thể. Tất cả cán bộ, công chức cấp xã đều viết bản cam kết rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết công việc và được xã tạo điều kiện đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, hơn 50% cán bộ công chức của xã có trình độ đại học; kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt. Văn Lý cũng là xã duy nhất duy trì lịch làm việc ngày thứ bảy để tiếp nhận và giải quyết các công việc liên quan đến công dân.
Những năm qua, cùng với quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Nhân đã tăng cường kiểm điểm làm rõ những vấn đề còn tồn tại trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đề ra biện pháp khắc phục, trong đó xác định công tác đánh giá cán bộ là một trong những nội dung cần được tăng cường kiểm tra, giám sát sau kiểm điểm. Thực tế cho thấy, việc đánh giá cán bộ được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch và dân chủ, gắn với đổi mới tác phong làm việc, cải cách thủ tục hành chính ngay từ những việc làm đơn giản thường ngày ở mỗi địa phương, đã mang lại hiệu quả.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết: Trong năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy đã có hai buổi đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhân dân xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm và với hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh. Hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có ý nghĩa rất thiết thực; cấp ủy, chính quyền có dịp trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. Cũng thông qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt được những vướng mắc, bức xúc ở cơ sở, kịp thời chỉ đạo giải quyết, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền.
Cũng trong năm 2018, tất cả sáu huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức tốt các buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các cơ quan, đơn vị và nhân dân. Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến tại các buổi đối thoại đã làm rõ những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, những bất cập về chủ trương, cơ chế, chính sách. Nhiều ý kiến đề xuất những giải pháp trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, nhất là những cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tổ chức hội và những vấn đề xã hội được đông đảo cán bộ và người dân quan tâm.
Tháng 11-2018, huyện Kim Bảng tổ chức buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với 150 đại biểu đại diện cán bộ, công nhân viên, người lao động trên địa bàn. Tại buổi đối thoại, các đại biểu nêu nhiều ý kiến, đề xuất liên quan các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lao động, tiền lương, về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, những chủ trương, giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp của huyện trong thời gian tới. Các đại biểu còn phản ánh những vấn đề về an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu, cụm công nghiệp; việc khám, chữa bệnh của công nhân lao động khi đến các cơ sở y tế; xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ công nhân lao động trong khu công nghiệp; kết nạp Đảng đối với công nhân, người lao động; kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức của huyện trong thời gian tới… Trên tinh thần cầu thị, các đồng chí lãnh đạo huyện đã lắng nghe, tiếp thu và giải trình làm rõ những ý kiến, đề xuất của cán bộ công nhân viên, người lao động. Đối với những vấn đề cần có thời gian xác minh, lãnh đạo huyện giao cho các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu, giải quyết, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bí thư Huyện ủy Kim Bảng Lê Anh Đông cho rằng: Đối thoại trực tiếp không chỉ giúp cán bộ quản lý các cấp nắm chắc tình hình thực tiễn ở cơ sở, mà còn có ý nghĩa động viên công nhân, người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2018, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam tiến hành sáp nhập, tinh gọn đầu mối chi bộ, tổ chức đoàn thể đối với những thôn có đủ điều kiện theo tinh thần Nghị quyết số 18, Hội nghị T.Ư 6 khóa XII. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tới dự một cuộc sinh hoạt chi bộ thường kỳ tại thôn Thong, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm để nắm tình hình. Đây là chi bộ được sáp nhập từ chi bộ các xóm 1, 2, 3, 4. Sau khi sáp nhập, Chi bộ thôn Thong thuộc Đảng bộ xã Thanh Tâm có 97 đảng viên, trong đó 11 đảng viên được miễn sinh hoạt. Tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp thu được những nội dung cần chú ý, là vấn đề chung của các chi bộ thôn, xóm trong tỉnh khi thực hiện sáp nhập, như: Cần nhanh chóng kiện toàn chi ủy chi bộ; chỉ đạo giải quyết quỹ hoạt động của các chi hội, đoàn thể sau sáp nhập; việc xây dựng các tổ đảng theo hình thức nào để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở...
Việc nghiêm túc kiểm điểm, nâng cao chất lượng đánh giá tập thể, cá nhân và tăng cường đối thoại trực tiếp ở cơ sở đã góp phần rất tích cực trong phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đồng thời, những hoạt động này thể hiện rõ quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ đó, thúc đẩy vai trò nêu gương, đi đầu của cán bộ lãnh đạo và đảng viên, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Theo Nhân dân