Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng hội nhập
quốc tế có bước chuyển biến lớn về chất trong nhận thức và hành
động sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, Việt Nam đã chuyển mạnh từ
“tham dự” sang “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định
hình các thể chế đa phương” và đăng cai, tổ chức thành công của nhiều sự
kiện quốc tế lớn như: Năm APEC 2017, Diễn đàn WEF ASEAN năm 2018, Hội
nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 và có nhiều sáng kiến hợp tác cụ
thể, thiết thực tại các diễn đàn đa phương.
Hội nhập
quốc tế được triển khai chủ động, tích cực,
sâu rộng và toàn diện gắn chặt với việc phục vụ sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm và đã tranh thủ
hiệu quả nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển.
Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an
ninh, quốc phòng góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận
lợi cho phát triển đất nước. Hội nhập trong các lĩnh vực khác góp phần
khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như tranh thủ nguồn lực,
cơ hội phục vụ các đột phá chiến lược, nhất là về phát triển nguồn nhân
lực, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế.
Hội nhập
quốc tế đã thực sự trở thành sự nghiệp của
toàn dân và của cả hệ thống chính trị với sự vào cuộc chủ động, tích cực
của các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp và người dân trong các hoạt
động hội nhập, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá.
Theo Phó Thủ tướng, qua quá trình hội
nhập, năng lực, trình độ và bản lĩnh của cán bộ, cơ quan, địa phương đã
có những phát triển rất tích cực; hình ảnh đất nước, con người và tiềm
năng phát triển của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá
cao.
Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả
hội nhập
quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, Thứ trưởng Thường
trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, hội nhập trong trụ cột này đã
góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ, nâng cao sự tin cậy chính trị giữa
nước ta và các đối tác; nâng cao tiềm lực quốc phòng an ninh và vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế.
Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an
ninh, quốc phòng là tiền đề rất quan trọng để thu hút sự quan tâm của
các đối tác, qua đó nâng cao hiệu lực hội nhập trong các lĩnh vực kinh
tế, văn hóa, xã hội.
Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an
ninh, quốc phòng còn là một quá trình tập dượt để hoàn thiện cơ chế, bộ
máy cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập
quốc tế toàn
diện trên các lĩnh vực.
Số liệu thống kê cho thấy hội nhập
quốc tế về chính
trị, an ninh, quốc phòng góp phần củng cố và phát triển nền tảng vững
chắc cho hội nhập trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, công
nghệ, y tế, giáo dục.
Cụ thể, trong 30 nước đối tác chiến lược, đối tác
toàn diện, có 8/10 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với 60,7%
tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng
giá trị nhập khẩu; 76,7% tổng lượng du khách và 74% tổng vốn đầu tư nước
ngoài vào Việt Nam.
Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về
hội nhập
quốc tế, ban hành tháng 4/2013, nêu rõ chủ động và tích cực hội nhập
quốc tế là định
hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết xác định hội nhập kinh tế là
trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội
nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc
phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân
tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội./.
(VGP)