Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 12/9/2013 12:40'(GMT+7)

Hà Nội còn 65.000 tấn rác thải chưa được chôn lấp

Rác thải tồn đọng tại nhiều xã ở các huyện ngoại thành Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Rác thải tồn đọng tại nhiều xã ở các huyện ngoại thành Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thực tế kiểm tra tại 18 huyện còn tồn đọng rác thải, chỉ có 5 huyện (gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì) có Xí nghiệp môi trường đô thị là đơn vị trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện làm công tác thu gom rác thải. 13 huyện còn lại phải ký hợp đồng duy trì vệ sinh môi trường với các đơn vị xã hội hóa.

Không chỉ vậy, tại 13 huyện này có nơi còn xảy ra tình trạng tận dụng ao, hồ, kênh mương, hay vùng đất trũng để đổ rác thải và hình thành các hố chôn lấp rác tự phát, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, gây mất vệ sinh môi trường và ô nhiễm nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do hầu hết bãi rác tự phát ở các thôn, xã trên địa bàn đã được lấp đầy. Thậm chí, một số điểm tập kết rác thải còn không được vận chuyển hết trong ngày. Bên cạnh đó, việc chủ động thực hiện đầu tư xây dựng các khu chôn lấp hợp vệ sinh của các xã, của huyện còn hạn chế.

Theo tính toán, dự báo đến năm 2020, tổng số rác thải sinh hoạt cần được xử lý trên địa bàn thành phố là hơn 7,3 nghìn tấn/ngày đêm, tương đương khoảng gần 2,7 triệu tấn/năm, tính riêng khối lượng rác thải cần xử lý tại các huyện vào khoảng hơn 2.600 tấn/ngày.

Trước thực trạng nêu trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khuyến khích Ủy ban Nhân dân các huyện thành lập tổ thu gom rác thải tại cụm dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn. Cùng với đó, các địa phương phấn đấu 100% rác thải sinh hoạt được thu gom đưa về bãi xử lý, tiêu hủy.

Song song với đó, các đơn vị môi trường cần chủ động xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy mô cấp xã, có hạ tầng kỹ thuật cho thu gom, xử lý khi tạm thời chôn lấp theo quy trình hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, ngành địa phương tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nông thôn đồng thời giúp nhân dân hiểu và tự giác phân loại rác thải sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường./.

Hùng Võ (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất