Tối 3/9, Sở Công Thương Hà Nội đã chính thức thông tin về phương án đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới (từ 6-21/9).
SẴN SÀNG CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU
Nhà chức trách cho hay, hiện trên địa bàn thành phố có 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; 2.500 điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động; 210 cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm; 52 doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, thành phố còn có 606 cửa hàng gas; 480 cửa hàng xăng dầu; 150 kho hàng; 125 đơn vị trồng trọt các mặt hàng thiết yếu; 378 doanh nghiệp chăn nuôi gia súc gia cầm; 16 đơn vị có khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ trẻ em, người cao tuổi; 52 đơn vị sản xuất khẩu trang, 5 đơn vị sản xuất nước sát khuẩn, nước rửa tay khô…
Các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online gồm 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Tính đến ngày 31/8 đã có 51.111 xe ôtô được cấp luồng xanh quốc gia và 26.133 xe máy được cấp mã QR của Sở Giao thông vận tải. Xe của các quận, huyện, thị xã đã huy động tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa (bình quân 5 xe/quận, huyện).
Dự kiến có 528 xe tải do Sở Giao thông vận tải huy động của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố (450 xe vận chuyển trong thành phố, 78 xe vận chuyển ngoài thành phố) sẵn sàng hoạt động.
ĐẢM BẢO DỰ TRỮ TĂNG TỪ 2-3 LẦN TRONG PHÂN VÙNG 1
Cũng theo đại diện Sở Công Thương, đối với nguồn cung từ các tỉnh, thành phố, hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung-Tây nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.
Với việc thực hiện giãn cách trong tình hình mới, đối với Phân vùng 1, Sở Công Thương đã lên phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm, gồm: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc; 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ (sữa uống, giấy vệ sinh, bỉm trẻ em, bỉm người lớn).
Hệ thống phân phối hiện có gồm: 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.
Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp hệ thống phân phối xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung (trong và ngoài thành phố), điều động vận chuyển cung ứng hàng hóa, nguồn nhân lực phục vụ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong các Phân vùng.
Tuy nhiên, Sở yêu cầu việc này chỉ được hoạt động khi đảm bảo công tác phòng chống dịch theo Phương án đã được phê duyệt. Các hệ thống chủ động dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường của người dân tại kho hàng và tại địa điểm bán trên địa bàn trong Phân vùng 1.
Cũng theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp chủ động đưa hàng dự trữ từ các kho hàng ngoài Phân vùng 1 vào các kho hàng thuộc các địa điểm trong Phân vùng 1 để chủ động về nguồn hàng, không để được thiếu hàng cục bộ.
Sở cũng yêu cầu phối hợp với các địa phương tổ chức bán hàng lưu động đối với các địa bàn có ít hệ thống phân phối, như: Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ và các địa bàn có chợ bị đóng cửa, như: Thanh trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông. Khi xuất hiện tình trạng thiếu hàng cục bộ trong hệ thống phải báo cáo ngay về Sở Công Thương để điều tiết.
Đối với các chợ trên địa bàn, Sở Công Thương lưu ý các tiểu thương chủ động lấy hàng từ Chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối trên địa bàn nằm trong Phân vùng 1.
Các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ (gọi tắt là Ban Quản lý chợ) làm đầu mối của các tiểu thương tổng hợp nhu cầu nguồn hàng, trực tiếp liên hệ với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các hệ thống phân phối hiện đại…trên địa bàn thành phố có nguồn cung để hỗ trợ tiểu thương về đầu vào nguồn cung có hàng hóa bán lẻ phục vụ nhân dân.
“Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ cho các tiểu thương trong chợ, thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ,” đại diện Sở Công Thương thông tin.
Lãnh đạo Sở Công Thương cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở tiếp nhận báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương về tình hình thiếu hàng hóa, chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống trên địa bàn để đảm bảo cung ứng theo nhu cầu của người dân.
Các đơn vị phải điều tiết hàng hóa của các doanh nghiệp từ Vùng 2, Vùng 3 và các tỉnh, thành phố vào Vùng 1 (khi có yêu cầu). Chỉ đạo các hệ thống phân phối tăng cường cho vận chuyển bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24h.
ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG KHÔNG ĐỨT GÃY
Sở Công Thương yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng đảm bảo cho các xe vận chuyển được lưu thông bình thường qua các chốt của thành phố và các Phân vùng đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Đối với các Vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng Phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng Shiper, các lực lượng khác: phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố,…để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ các hệ thống phân phối mở lại các điểm bán đảm bảo điều kiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương đã ban hành để đảm bảo đủ hệ thống phân phối phục vụ nhân dân.
“Trong trường hợp không đáp ứng đủ báo cáo Sở Công Thương để hỗ trợ điều tiết chung trên địa bàn thành phố. Ủy ban Nhân dân cấp huyện căn cứ các điểm bán hàng được mở cửa do Sở Công Thương công bố, quyết định tổ chức bổ sung các điểm bán hàng lưu động (nếu cần).”
CÁC SHIPPER CHỈ HOẠT ĐỘNG TRONG PHÂN VÙNG 1
Để đảm bảo vận chuyển cung ứng hàng hóa đến người dân, Sở Công Thương đề nghị các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an thành phố cấp mã nhân diện (đối với xe ôtô) và cấp giấy phép đi đường cho các xe máy.
“Xe ôtô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào Vùng 1; các shipper chỉ hoạt động trong Phân vùng 1,” đại diện Sở Công Thương cho hay.
Đặc biệt, đối với các phương tiện vận chuyển (xe ôtô)của các cơ sở, Hợp tác xã, doanh nghiệp… sản xuất, kinh doanh, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đủ điều kiện được phép lưu thông, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa, các đơn vị chủ động điều tiết việc vận chuyển nhằm đảm bảo việc cung ứng đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trong Phân vùng 1.
Trường hợp xe ôtô của các đơn vị trên không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, cần huy động các phương tiện hỗ trợ, thực hiện theo nguyên tắc điều động được xây dựng cụ thể trong phương án.
Sở Công Thương cũng nhấn mạnh, người dân được Ủy ban Nhân dân quận/huyện thực hiện phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán.
Đối với việc mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện. Trường hợp mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn thì Ủy ban Nhân dân các phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm… để người dân tham gia mua sắm.
KHÔNG CẦN MUA SẮM TÍCH TRỮ
Theo phương án của Sở Công Thương, Phân vùng 2 tính cho tổng số dân là 1.634.100 người; Phân vùng 3 tính cho tổng số dân 2.684.419 người đối với 12 mặt hàng thiết yếu, 2 mặt hàng phòng chống dịch, 5 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.
Hiện, Phân vùng 2 có 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu; trong khi Phân vùng 3 gồm 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.
Đại diện Sở Công Thương cho hay, với phương châm chỉ đạo của thành phố là soát thật kỹ, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đảm bảo không để dứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.
Đại diện Sở Công Thương lưu ý thêm đối với Vùng 1 mặc dù thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, người dân vẫn được phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và thực hiện các hình thức mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động, mua hàng online..../.
Xuân Quảng (Vietnam+)