Những bất cập, hạn chế được lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị
chức năng khẩn trương khắc phục xong trước Tết Nguyên đán 2015, đảm bảo
ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà
Nội đã hoàn thành việc kiểm tra thực tế quản lý và sử dụng các khu tái
định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Những bất cập, tồn tại đã được lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị
chức năng khẩn trương khắc phục xong trước Tết Nguyên đán 2015, đảm bảo
ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
Cụ thể, hàng loạt các công trình và hạng mục công trình thuộc quỹ nhà
tái định cư bị hư hỏng sẽ được cải tạo, sửa chữa. Trong đó cải tạo,
chống xuống cấp 31 công trình hạ tầng kỹ thuật; sửa chữa, thay thế thiết
bị đối với 69 thang máy, 37 máy phát điện dự phòng, chín máy bơm nước
sinh hoạt, 13 công trình hệ thống chống sét, 92 thiết bị phòng cháy chữa
cháy, tập trung chủ yếu ở các khu chung cư tái định cư Trung Hòa-Nhân
Chính, Nam Trung Yên, Xuân La, Đồng Tàu, khu Kim Liên, Xuân Đỉnh, Cầu
Diễn, Đền Lừ...
Để triển khai thực hiện ngay các phần việc dân sinh bức xúc trên, Phó
chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng giao Công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cùng
Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội có trách nhiệm ứng vốn, tổ
chức sửa chữa, đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm chi phí.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết trên địa bàn Hà Nội hiện có 155 tòa nhà tái
định cư với 13.487 căn hộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bàn giao Công
ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội
quản lý theo quy định.
Riêng khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) với 18 tòa nhà, gồm
2.204 căn hộ, thành phố giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà
Nội quản lý.
Qua rà soát quỹ nhà này, Ủy ban Nhân dân thành phố cơ bản đã bố trí hết
cho các dự án phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Với những căn hộ còn
trống, các quận, huyện đang làm thủ tục để các hộ dân bốc thăm.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc quản lý nhà chung cư tái định cư trên địa
bàn thành phố vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc do chưa có văn bản
pháp luật quy định riêng về công tác quản lý sử dụng.
Bên cạnh đó, việc bầu Ban Quản trị chưa thực hiện nhiều, chỉ có 14 Ban
Quản trị tại 16 tòa chung cư trên tổng số 155 tòa đã đưa vào sử dụng
trước năm 2014.
Việc thu kinh phí đóng góp theo quy định của người dân tại các khu chung
cư tái định cư còn hạn chế, gây khó khăn đối với công tác duy tu, sửa
chữa, bảo trì tòa nhà.
Do yêu cầu cấp bách bố trí nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng
mặt bằng các dự án trọng điểm nên nhiều dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ
thuật, hạ tầng xã hội (bao gồm nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm y tế công
lập...) đã phải bố trí hộ dân vào ở.
Một số dự án khu tái định cư được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng
từ năm 2001 chưa tính đủ diện tích bố trí phục vụ sinh hoạt cộng đồng,
hoặc diện tích để xe tại tầng 1 không đáp ứng đủ nhu cầu cũng ảnh hưởng
đến điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc đối với các hộ dân.
Trước những tồn tại kéo dài trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố
Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc các ngành, đơn
vị tổng rà soát, phân loại và có quy trình, quy định vận hành, quản lý
từng nhà, từng khu phù hợp với nguồn gốc hình thành. Theo đó, các phương
án sửa chữa, hoàn thiện bất cập đang tồn tại ở các chung cư đang được
các đơn vị chức năng tập trung thực hiện.
Sở Xây dựng cũng đang phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương thức
quản lý tài sản Nhà nước một cách tốt nhất theo hướng dịch vụ công ích,
phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế quản lý chung cư và
định mức thu phí dịch vụ của dân./.
Minh Nghĩa (TTXVN)