(TCTG) - Trong dòng nhạc Cách mạng Việt Nam, có những bài hát như một trang sử phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc. Lại có những ca khúc như một lời hiệu triệu, khơi gợi lòng tự hào của mỗi người dân, để quên đi những mất mát đau thương mà tiếp tục đứng dậy đánh thắng kẻ thù. Trong cuốn “Tập bài hát Hà Nội” tôi đang có trên tay, ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của nhạc sĩ Phạm Tuyên là một bài ca như thế.
Những ngày tháng 12 lịch sử này, ở Thủ đô Hà Nội đâu đâu cũng vang lên một giai điệu hào hùng khoẻ khoắn: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. Rồng ta lao vút tới, vây bắt lũ hung thần khát máu...”. Đó là câu hát mở đầu trong ca khúc “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây là bài hát đầu tiên viết về 12 ngày đêm chiến đấu đánh thắng B52 của quân và dân Hà Nội - tháng 12/1972. Khi giai điệu bài hát vang lên, ta thấy được khí thế sục sôi chiến đấu quyết tâm giữ vững ý chí, không nao núng trước bom đạn huỷ diệt của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ Thủ đô.
Tháng 12/1972, Đế quốc Mỹ dùng một lực lượng không quân hùng mạnh ném bom dữ dội miền Bắc, hòng buộc Hà Nội phải đầu hàng. Nhiều nơi ở Hà Nội bị Pháo đài bay B52 ném bom đánh phá, tan hoang, nhưng quân và dân Hà Nội đã quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay B52 của địch. Chiến thắng vang dội ấy được ví như trận Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, và được gọi là trận “Điện Biên Phủ trên không”.
Trong những ngày tháng lịch sử ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kêu gọi các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52, giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ trên không” ngay giữa lòng Hà Nội. Lúc này, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN). Xúc động trước lời nói của Đại tướng, cùng với lòng căm thù giặc Mỹ trào dâng, đêm 27/12/1972, dưới hầm trú bom của Đài TNVN, nhạc sĩ đã viết những nốt nhạc đầu tiên. Và chỉ 5 tiếng sau, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” – đứa con tinh thần của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ra đời.
Bài hát viết ở giọng Son Trưởng, thể loại hành khúc. Âm điệu không du dương mà quyết liệt thể hiện ý chí quyết tâm của quân và dân Hà Nội. Mở đầu bài hát là câu hát đầy tự hào như một lời báo tiệp: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. Rồng ta lao vút tới, vây bắt lũ hung thần khát máu…”. Vào thời điểm đó, giặc Mỹ thường huyênh hoang về sức công phá và bất khả chiến bại của “pháo đài bay B52”, và đã muốn “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Chúng mở một đợt không kích lớn nhằm huỷ diệt toàn bộ Hà Nội. Rất nhiều cơ quan xí nghiệp của ta là mục tiêu ném bom của chúng. Nhưng chúng đã vấp phải một sự phản kháng quyết liệt bởi ý chí và lòng căm thù giặc của người dân Hà Nội. Phạm Tuyên có viết “Ý chí chúng ta đây, mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù. Một trận Điện Biên đây sẽ vùi mộng xâm lăng…”. Trận đánh B52 lịch sử của Phòng không - Không quân ta đã giáng cho kẻ thù một đòn chí mạng, vang đội khắp thế giới, được ví như “Điện Biên Phủ trên không”. Chính bởi lòng căm thù giặc, lại được tiếp nối truyền thống hào khí Đông A của dân tộc đã nhiều lần chiến thắng ngoại xâm, từ đau thương trong sự hủy diệt tàn phá của kẻ thù, nhân dân Hà Nội đã “rũ bùn đứng dậy sáng loà” với tư thế anh dũng kiên gan ngẩng cao đầu rất đỗi tự hào “Dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương, ta bước trên đầu thù. Tự hào thay dáng đứng Việt Nam…”
Lời 2 của bài hát được tiếp nối trên nét nhạc hào hùng với ca từ như một lời thách thức thể hiện ý chí chiến đấu ngoan cường của người Hà Nội: “Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta. Đâu chỉ vì riêng nước non này, phất ngọn cờ cao chính nghĩa…”. Đó chính là lòng quả cảm, lòng yêu nước đã kết thành một khối. Chí căm thù đã biến đau thương thành hành động cụ thể, một chiến công lẫy lừng của quân và dân Hà Nội đã đập tan ý đồ “đưa Việt nam trở lại thời kỳ đồ đá” của Đế quốc Mỹ. Là người dân Thủ đô, chúng ta thật tự hào.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết thêm: sau trận bom, ông đã đạp xe dọc phố Khâm Thiên, chứng kiến cảnh tượng những dãy nhà tan tành đổ nát, trong ông lúc ấy trở nên phẫn nộ tột cùng. Tối 27 tháng 12 năm 1972, khi viết bài hát này, tác giả cũng không chắc là mình còn sống để nghe được đứa con tinh thần ấy, bởi khi đó, Đài TNVN cũng là một mục tiêu đánh phá của kẻ thù.
Nhưng ngay sáng 28/12 năm đó, Phạm Tuyên đã cùng công chúng Thủ đô hát vang ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Bài hát như một lời hiệu triệu, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của quân và dân Hà Nội. Và tối 29/12 năm ấy, trong tiếng còi báo động rền vang, bài hát được phát đi trên làn sóng phát thanh của Đài TNVN: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời...”, “ý chí chúng ta đây, mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù, một trận Điện Biên đây sẽ vùi mộng xâm lăng” thật rắn rỏi thể hiện chí khí quyết tâm. Có câu như thách thức “Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta...”; lại rất đỗi tự hào “Hà Nội ơi! Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội...”; thể hiện ý chí không khuất phục trước đạn bom của kẻ thù “Dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương ta bước trên đầu thù...”. Không chỉ thế, bài hát đã khắc họa một Hà Nội kiên cường gan góc, vững vàng. Có người còn cho rằng ca khúc của Phạm Tuyên có sức mạnh hiệu triệu muôn người dân Thủ đô giống như bản giao hưởng số 7 chống phát xít của nhạc sĩ Dmitri Shostakovich trong Thế chiến thứ 2 - quả không sai. Bài hát là lời động viên tiếp sức cho đồng bào chiến sĩ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đứng lên, biến đau thương thành hành động để quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đã 40 năm qua đi, những người lính phòng không bắn rơi B52 năm ấy nay mái đầu đã pha sương, tác giả Phạm Tuyên cũng đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhân dân Thủ đô vẫn không bao giờ quên ký ức đau thương mà hào hùng của những ngày tháng 12 năm 1972 năm xưa. Mỗi khi nhắc đến chiến thắng 12 ngày đêm oanh liệt ấy, chúng ta không thể không nhắc đến bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Những em bé ngày nay lớn lên trong làng hoa Ngọc Hà chắc sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy hoa vẫn nở tươi bên cạnh xác máy bay B52 trên hồ Hữu Tiệp. Và các em nhỏ trên phố Khâm Thiên khang trang sầm uất bây giờ không thể hình dung ra con phố này trước kia hoang tàn đổ nát như thế nào sau trận hủy diệt của B52 năm xưa.
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng giai điệu hào hùng của bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn ngân vang trong lòng mỗi người dân Thủ đô. Bên cạnh những bài hát Trời Hà Nội xanh của Văn Ký, Hà Nội đêm trở gió của Trọng Đài, Hà Nội mùa thu của Vũ Thanh, Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn, Hoa sữa của Hồng Đăng... ca ngợi một Thủ đô thanh bình, “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của Phạm Tuyên sẽ mãi là khúc ca hào hùng về tinh thần quật cường của Thủ đô yêu dấu.
Nguyễn Thị Diệp