(TCTG)- Nhằm thực hiện có hiệu quả những yêu cầu mới, đặt ra đối với văn học, nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, ngày 15/12/2012 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử”. Đồng chí Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có bản tham luận gửi tới Hội thảo.
Tới dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền Thông, các nhà khoa học, nhà sử học, nhà văn, nhà phê bình văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sỹ ở Trung ương và địa phương.
Trong phát biểu khai mạc, PGS-TS Hồng Vình, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của hội thảo và nêu rõ: Những năm gần đây, sáng tạo văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử có sự khởi sắc, xuất hiện một số tác phẩm có giá trị cao, nhưng đồng thời cũng có hình tượng các anh hùng lịch sử được dân tộc tôn vinh bị xuyên tạc, bôi nhọ… Bên cạnh đó, cũng tồn tại nhiều ý kiến, quan điểm trong đánh giá về sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử. Vì thế, hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ hơn khái niệm về lịch sử, đề tài lịch sử, mối quan hệ giữa lịch sử và việc sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử.
Vì vậy, mục tiêu của Hội thảo là tập trung làm rõ thực trạng, bản chất tình hình sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử trong những năm gần đây; những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra xung quanh các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; đề xuất những yêu cầu, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác, lý luận, phê bình, trình diễn, quảng bá các tác phẩm về đề tài lịch sử là những nội dung trọng tâm của Hội thảo… nhằm làm như thế nào vừa phát huy mặt mạnh, khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập, vừa góp sức tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy công cuộc sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử có bước phát triển trong thời gian tới.
Được chuẩn bị công phu, Hội thảo toàn quốc lần này đã kế thừa những kết quả các cuộc tọa đàm, tổ chức hội thảo bàn sâu về đề tài lịch sử ở Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam. Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 tham luận của các nhà khoa học, nhà văn, nhà phê bình văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sỹ ở Trung ương và địa phương. Các tham luận đó, đều tập trung thảo luận xoay quanh những vấn đề: (1) Về phương diện khoa học; (2) Về thực tiễn; (3) Về trách nhiệm của người nghệ sỹ đối với quá trình sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; (4) Những điều kiện và môi trường cho sáng tạo văn học, nghệ thuật... về đề tài lịch sử và hướng phát triển trong tương lai.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “Tôi tán thành với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương về việc lựa chọn chủ đề Hội thảo này”. Vì theo đồng chí: “Hiểu biết lịch sử dân tộc để tiếp nhận và tô thắm những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa là nghĩa vụ, tình cảm, vừa là đạo lý làm ng ười Việt Nam. Với đặc trưng và sức mạnh độc đáo của văn học nghệ thuật , với tài năng, tâm huyết, bản lĩnh và sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, nền văn học nghệ thuật của nước ta hoàn toàn có thể thực hiện được ý nghĩa sâu sắc và cao quí đó. Trở về với lịch sử, cả quá khứ xa xưa của dân tộc ta và quá khứ gần, thế kỷ 20, thế kỷ đấu tranh cách mạnh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, để khám phá những vấn đề sâu sắc của lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ lớn lao của văn học nghệ thuật. trở về quá khứ, không phải chỉ để ngưỡng mộ, ngợi ca, mà bằng năng lực sáng tạo của mình, các văn nghệ sỹ sẽ khám phá trong lịch sử, trong quá khứ vô cùng phong phú và phức tạp, những kinh nghiệm, những bài học cần thiết cho cuộc sống và con người hôm nay, cho sự nghiệp đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước… Song, dứt khoát tránh thái độ bóp méo, xuyên tạc, áp đặt lịch sử, xúc phạm niềm tự hào chân chính của nhân dân ta về lịch sử kiên cường, vinh quang của dân tộc, về những vị Anh hùng dân tộc mà công lao và đức độ đã trở thành điều thiêng liêng trong thẳm sâu mỗi trái tim con dân đất Việt… ”. đồng chí Đinh Thế Huyng cũng bày tỏ “đồng tình với những mục tiêu mà hội thảo đặt ra”.
Đề cập sự lựa chọn các phương thức thể hiện nghệ thuật về đề tài lịch sử sao cho phù hợp và hiệu quả nhất và để phát huy được thế mạnh của mỗi thể loại trong sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử, đồng chí Nguyện Thiện Nhân nêu rõ: có 9 nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo mà sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử có thể giúp các nhà sáng tạo văn học, nghệ thuật làm cho “lịch sử được tái hiện liên tục, trọn vẹn hơn”. Đó chính là sự không giới hạn về không gian và thời gian của mỗi sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử; đó là tình cảm của con người, xúc cảm trào dâng của những người sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử; đó còn là sự lý giải của họ trước những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử trong dòng chảy chung của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc… và lý giải sự bền vững cũng như sự biến động của lịch sử cũng chính là “mảnh đất tốt” để cho những người sáng tạo khai phá, sáng tạo, bổ sung vào lịch sử của dân tộc và nhân loại.
Những tham luận tại Hội thảo: Mấy ý kiến về vấn đề sáng tác về chủ đề lịch sử của GS Mai Quốc Liên; Thử bàn về những vấn đề cốt yếu trong sáng tác văn học về đề tài lịch sử của Hoàng Quốc Hải; Lịch sử - Sự tiếp cận của Văn nghệ của GS Hà Minh Đức; Ý nghĩa và hướng khai thác về đề tài lịch sử trong sáng tác văn học, nghệ thuật của Nguyễn Văn Hạnh; Phim truyện lịch sử - một loại hình nghệ thuật có khả năng tái hiện quá khứ hiệu quả nhất của đạo diễn Hải Ninh; Sáng tác múa về đề tài lịch sử của NSND Chu Thúy Quỳnh; Sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại qua sáng tác nghệ thuật của Hồ Anh Tuấn, cùng vấn đề quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu; các khuynh hướng sáng tác về đề tài lịch sử thời gian tới… được các đại biểu quan tâm sâu sắc.
Mội trong những vấn đề được nêu và nhấn mạnh trong các tham luận trình bày tại Hội thảo và cả những tham luận được in trong tài liệu phục vụ Hội thảo chính là: Trước thực trạng lịch sử bị lãng quên, không tìm được đường đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi thì văn học, nghệ thuật càng phải đảm nhận tốt hơn trách nhiệm sáng tạo ra những tác phẩm có khả năng đánh thức lịch sử, có sức hấp dẫn, lay động lòng người, để góp phần giáo dục truyền thống, truyền bá kiến thức lịch sử bằng văn học, nghệ thuật.
Đặc biệt, trong tham luận của đồng chí Lê Khả Phiêu, đã đề cập đến một vấn đề rất quan trọng mà giới văn nghệ sĩ, nhất là những người sáng tác mảng văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử đang rất quan tâm, đó là sự đầu tư cho cho văn học, nghệ thuật. Đồng chí Lê Khả Phiêu cho rằng: “phải coi đầu tư đưa văn học, nghệ thuật vào lịch sử là sự đầu tư chiến lược để xây dựng nền văn hóa tồn tại và phát triển bền vững của dân tộc”. Đây cũng chính là điểm cốt yếu mà Hội thảo tập trung bàn luận. Vì chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể khắc phục được tình trạng yếu kém như hiện nay.
Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo đi đến thống nhất:
- Những vấn đề thuộc về lịch sử, đề tài lịch sử, mối quan hệ giữa lịch sử và việc sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử cần tiếp tục được đẩy mạnh.
- Những sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử sẽ lấy cuộc đời, sự nghiệp của các nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biểu trong lịch sử dựng nước và giữ nước làm chất liệu.
- Trong thời gian tới, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ phối hợp với các hội chuyên ngành rà soát, đánh giá đúng thực trạng sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử.
- Chú trọng, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ đổi mới tư duy, bồi dưỡng cảm hứng sáng tạo văn học, nghệ thuật; tổ chức tọa đàm chuyên sâu giữa cơ quan nghiên cứu lịch sử và các nhà sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử… để cho ra đời những tác phẩm hay, phản ánh chân thật lịch sử.
Nam Anh