Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Đài Truyền hình Việt Nam đã chuẩn bị nhiều chương trình với nội dung đa dạng, phong phú nhằm mang đến cho khán giả một cái nhìn đa chiều và toàn cảnh về cuộc chiến mang tính lịch sử này.
Nổi bật nhất trong đợt này là nhiều bí mật lần đầu được công bố trong các phim tài liệu của các nhà sản xuất trong nước và quốc tế về những năm tháng lịch sử này .
Bắt đầu là phim “Khiêu vũ với tử thần” (phim do Nga sản xuất). Đây là bộ phim tài liệu nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhân chứng lịch sử của Việt Nam, Nga và Mỹ. Không đơn thuần là câu chuyện kể về sự giúp đỡ của Nga đối với Việt Nam trong cuộc chiến lịch sử, bộ phim còn có những hình ảnh tư liệu quý về hành trình tìm kiếm một vũ khí chiến lược có thể chống chọi với B52; những câu chuyện giản dị và xúc động về cuộc sống vô cùng cực khổ của những người lính tên lửa Liên Xô và Việt Nam trong sự đối lập với cuộc sống xa hoa của lính Mỹ... “Khiêu vũ với tử thần” phát sóng lúc 21h30, thứ Sáu 14-12 trên kênh VTV1.
Tiếp theo là 5 tập phim tài liệu “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Bộ phim là câu chuyện kể bằng hình ảnh về chiến thắng của quân dân Hà Nội trước cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào thủ đô Hà Nội cách đây tròn 40 năm. Bộ phim do 3 đạo diễn Trần Cẩm, Hà Toàn, Hồng Điệp thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Quân chủng Phòng không Không quân là một bức tranh khá toàn cảnh về cuộc chiến lịch sử của 40 năm trước. Phim có nhiều tư liệu quý, được coi là bí mật quân sự, lần đầu tiên được công bố, đặc biệt là bí mật của bộ đội tên lửa và những chiếc Mic 21 đánh bại “siêu pháo đài bay” B52 của Mỹ.
Theo đạo diễn Trần Cẩm phim có rất nhiều tư liệu mới được công bố từ các cựu binh Mỹ, Belarut, Ukraine tăng cường cho quân đội ta cũng như các tư liệu của Liên Xô do cơ quan thường trú THVN tại Nga sưu tập được... Các tập phim sẽ phát sóng vào 21h30 các ngày 17, 19, 21, 23, 24- 12 trên kênh VTV1
Trong dịp này, VTV cũng dành nhiều thời lượng để phát sóng lại những bộ phim được xếp vào danh sách phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh. Phim đã giành những giải thưởng cao quý cả trong nước lẫn quốc tế như Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần 3 năm 1975, Giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1975.
Với phim “Hà Nội 12 ngày đêm”- phim được sản xuất công phu, đầu tư lớn về kinh phí (7 tỷ đồng, thời điểm năm 1998), là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ xảo vi tính và âm thanh hiện đại. Xem phim, khán giả sẽ chứng kiến dàn máy bay B52 hướng về Hà Nội trong 12 ngày đêm của tháng 12-1972 lịch sử, những pha nhả đạn của súng cao xạ, đường đi lóe sáng của tên lửa phóng lên bầu trời... được thực hiện hoàn toàn bằng kỹ xảo hậu kỳ tại Australia.
|
Cảnh trong phim "Hà Nội 12 ngày đêm" |
Bên cạnh các phóng sự, phim tài liệu và phim điện ảnh đặc sắc, với mong muốn tái hiện toàn cảnh hơn 12 ngày đêm khói lửa khốc liệt trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của 40 năm trước, nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật cũng được tổ chức.
Tối 16-13, chương trình“Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 4 do Tạp chí Tuyên giáo, Báo Nhà báo & Công luận phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, và truyền hình trực tiếp trên VTV2. Chương trình “Bản hùng ca “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” sẽ gợi nhớ những ngày lịch sử năm 1972 qua nhiều nhân chứng lịch sử như: Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, người có mặt liên tục tại Sở chỉ huy Quân chủng trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội; GS. Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – nơi ba lần bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá và chịu thiệt hại nặng nề trong chiến dịch 12 ngày đêm của Không quân Mỹ, để được biết về những câu chuyện bi hùng trong quá trình cứu sập và cứu chữa bệnh nhân của BV Bạch Mai ngày ấy…
Dự kiến, tối 28-12, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với bộ Quốc Phòng, Quân chủng Phòng không Không quân sẽ tổ chức truyền hình trực tiếp chương trình giao lưu với chủ đề "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không - Khát vọng và Vinh quang". Tại chương trình giao lưu, những câu chuyện xúc động qua lời kể của những nhân chứng sống, những người đã làm nên Hà Nội 12 ngày đêm anh dũng, như anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Tuân - người phi công đã bắn rơi pháo đài bay B52 bất khả chiến bại của đế quốc Mỹ; ông Tom Hayden - người tham gia tích cực vào phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam, có mặt tại Hà Nội trong những ngày tháng 12 ác liệt năm xưa…
MAI AN/SGGP