Kế hoạch này được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 12/1/2017 với mục tiêu
tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
cấp Sở, cấp quận/huyện/thị xã và cấp xã/phường/thị trấn trên hệ thống
dịch vụ công trực tuyến dùng chung của Thành phố; đồng thời nâng cao
chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính của các cơ
quan nhà nước Thành phố, thực hiện cải cách hành chính.
Theo kế hoạch, chỉ riêng trong quý I/2017, Thành phố triển khai cung
cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chia làm 3 đợt. Trong đợt 1
được vận hành chính thức từ ngày 19/1/2017, đã triển khai cung cấp tới
người dân và doanh nghiệp 27 dịch vụ công trực tuyến mức 3.
|
Trong quý I/2017, Thành phố Hà Nội triển khai
cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới người dân và doanh
nghiệp (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
|
Đối với đợt thứ 2 này, Thành phố triển khai cung cấp tiếp 20 dịch vụ
công trực tuyến mức 3, gồm 10 dịch vụ công cấp quận/huyện/thị xã (thuộc
các lĩnh vực TT&TT, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường)
được cung cấp tới người dân và doanh nghiệp tại 12 quận nội thành; và 10
dịch vụ công cấp Sở, trong đó có Sở Công Thương có 6 dịch vụ, Sở Tài
chính 2 dịch vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội 1 dịch vụ và 1 dịch
vụ công của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố.
Đối tượng triển khai của nhóm dịch dịch vụ công trực tuyến cấp
quận/huyện/thị xã gồm các đối tượng tham gia vào quy trình giải quyết
dịch vụ trực tuyến mức độ 3: lãnh đạo UBND các quận; cán bộ văn phòng,
lãnh đạo và cán bộ phòng chuyên môn thụ lý hồ sơ, cán bộ Một cửa, cán bộ
Phòng Văn hóa thông tin, cán bộ CNTT.
Nhóm dịch vụ công cấp Sở có đối tượng triển khai là lãnh đạo Sở phụ
trách chuyên ngành, lãnh đạo và cán bộ phòng chuyên môn thụ lý hồ sơ,
lãnh đạo và cán bộ phòng chuyên môn liên quan, cán bộ Một cửa và cán bộ
CNTT.
Cũng theo kế hoạch 09, trong đợt 3 sẽ được vận hành chính
thức từ ngày 15/3/2017, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai cung cấp tới người
dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố 73 dịch vụ công trực tuyến
mức 3.
Trước đó, từ tháng 7/2016, Hà Nội đã chính thức khai trương Cổng dịch
vụ công trực tuyến tại địa chỉ egov.hanoi.gov.vn. Cũng trong năm 2016,
Thành phố đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh
vực tư pháp đến tất cả 584 Xã phường theo 3 giai đoạn, trong đó giai
đoạn 1 triển khai thí điểm tại 24 phường của 2 Quận Long Biên và Nam Từ
Liêm để đánh giá, hoàn thiện. Trên cơ sở đó triển khai tại 144 phường
của 10 Quận còn lại và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 10/8/2016;
giai đoạn 2 triển khai tại 139 xã thuộc 6 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc
Sơn, Thanh Trì, Ba Vì, Hoài Đức và chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày
10/11/2016; giai đoạn 3 triển khai tại 277 xã thuộc 12 huyện còn lại và
chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 15/12/2016.
Theo Sở TT&TT Hà Nội, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hồ sơ được
nộp trực tuyến qua mạng trên toàn Thành phố gồm cả hồ sơ công dân tự nộp
tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục
tại UBND phường, xã, thị trấn đạt trên 70%, góp phần nâng cao chất
lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính,
từng bước phục vụ người dân được tốt hơn.
Cuối tháng 12/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế
hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm
2017. Kế hoạch hướng tới mục tiêu đẩy mạnh triển khai và khai thác có
hiệu quả các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao
chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị
xã, xã, phường, thị trấn để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh
nghiệp, xác định năm 2017 là năm đột phá căn bản về CNTT; đảm bảo việc
triển khai ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung
thống nhất trên một hệ thống. Một trong những chỉ tiêu cụ thể được UBND
Thành phố đặt ra trong kế hoạch này là cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4
tối thiểu 40% thủ tục hành chính của các Sở, ban, ngành, quận/huyện/thị
xã và xã/phường/thị trấn./.
Theo ICTnews