Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay, Hà Nội còn 73 Ủy ban Nhân dân xã và phường chưa có trụ sở, hiện chỉ là trụ sở tạm. Qua theo dõi có huyện đề xuất xây dựng trụ sở đến 40-50 tỷ đồng, nhưng có huyện lại xây trụ sở xã có 13-14 tỷ đồng. Vì vậy, lãnh đạo thành phố yêu cầu các Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Kế hoạch-Đầu tư và Sở Xây dựng cần kiểm tra lại trên tinh thần tất cả các xã, phường phải xây dựng làm sao có chung công năng.
“Có chung một công năng khác với có chung một kiểu kiến trúc," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. Theo đó, các công năng phải đảm bảo cho đúng hoạt động, tránh tình trạng có xã xây dựng trụ sở với thiết kế các phòng quá rộng gây thừa, không đúng theo tiêu chuẩn của Chính phủ quy định.
Vì vậy, chủ trương và chỉ đạo của thành phố là các trụ sở này phải đảm bảo tất cả các chức năng, nhiệm vụ của xã, phường. Trên cơ sở biên chế, các đơn vị đề nghị xây dựng trụ sở theo đúng tiêu chuẩn quy mô về văn phòng làm việc. Đặc biệt, trong quá trình thiết lập hồ sơ xây dựng dự án cần phải tính toán đến việc lựa chọn các vật liệu đảm bảo tính bền vững.
Hà Nội hiện có 584 trụ sở xã, phường, thị trấn; trong đó, trong 5 năm 2011-2015, các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã với tổng vốn bố trí trên 1.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về kết quả kiểm tra thực trạng và nhu cầu đầu tư trụ sở xã, phường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, hiện có 73 trụ sở cần xây mới, 136 trụ sở cần bổ sung hạng mục và 118 đơn vị chỉ cần cải tạo lại.
Theo phương án dự kiến, công trình các trụ sở tại khu vực trung tâm nội đô sẽ có diện tích 300-2.000m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa 6 tầng. Khu vực đô thị trung tâm mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích là 880-3.900m2, mật độ xây dựng 40%, cao tối đa 5 tầng. Khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, diện tích đất phù hợp 1.530-4.100 m2, mật độ xây dựng 25-30%, cao không quá 3 tầng.../.
Theo TTXVN