Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 8/5/2009 11:2'(GMT+7)

Hà Nội: Lập đề án cải tạo "dòng sông chết"- Tô Lịch

Tàu hút bùn đang hoạt động thử nghiệm trên sông Tô Lịch - ảnh: Tuệ Khanh

Tàu hút bùn đang hoạt động thử nghiệm trên sông Tô Lịch - ảnh: Tuệ Khanh

Từ năm 2003, sông Tô Lịch đã bắt đầu được nạo vét và kè 2 bên bờ nên chất lượng nước sông cũng được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với dòng sông thì vẫn chưa được thực hiện, đó là sự ô nhiễm nghiêm trọng của dòng sông do phải gánh chịu toàn bộ nước thải đô thị và công nghiệp hầu hết chưa qua xử lý.

Hiện nay, sông Tô Lịch phải tiếp nhận trên 100.000m3/ngày đêm ước thải sinh hoạt và công nghiệp (trong đó gần 1/3 là nước thải công nghiệp). Số nước này tiếp tục chảy ra sông Nhuệ và sông Hồng gây ô nhiễm ở mức báo động với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Hai phương án cải thiện chất lượng nước sông

Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề xuất một phương án tổng thể về cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch và báo cáo UBND thành phố vào ngày 7/5/209. Theo đó, mục tiêu của phương án này là quy hoạch hệ thống thoát nước của thành phố theo hướng đồng bộ hiện đại nhằm hạn chế hay dừng hẳn việc thoát nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất… không qua xử lý trực tiếp xuống dòng sông.


Để cải thiện chất lượng nước sông, sở TN&MT đề nghị xây dựng hệ thống cống bao dọc tuyến sông nhằm thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải tập trung tại nguồn. Một dự án “Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn nhằm cải thiện môi trường Hà Nội” đã được tiến hành nghiên cứu khả thi và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Các nhà máy sẽ thu gom toàn bộ nước thải của lưu vực sông Tô lịch cùng một phần lưu vực sông Nhuệ để chuyển đến xử lý tại 2 nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn hơn ở Từ Liêm và Thanh Trì.

Một phương án khác cũng được đưa ra là “xử lý bán tập trung kết hợp với xử lý tại nguồn”. Hiện tại dọc chiều dài sông Tô Lịch có trên 10 cửa xả lớn (cống hộp) và khoảng 200 cống tròn thu gom nước từ các khu vực hai bên bờ sông. Đối với các cửa xả lớn, tuỳ theo lưu lượng, sẽ thiết kế các trạm xử lý nước thải công suất nhỏ. Nước thải sau xử lý tại trạm sẽ có thể “trả lại” sông để pha loãng độ ô nhiễm. Nguồn nước này sau đó có thể dùng làm nước vệ sinh, tưới cây…

Việc cần làm tiếp theo là cải tạo môi trường cảnh quan sinh thái của dòng sông và 2 bên bờ sông, tạo các không gian mở với cây xanh, vườn hoa, tiểu cảnh kết hợp với đường dạo, đường giao thông.

Việc cải thiện khả năng tiêu thoát nước, nạo vét đảm bảo dòng chảy, chống lấn chiếm và đổ rác thải khu vực hai bên sông cũng là một trong những mục tiêu của phương án này.

Theo đề xuất, phương án cải tạo sẽ là lấy việc cải tạo chất lượng nước sông là trọng tâm và lấy xây dựng đô thị sinh thái làm phương hướng, cải thiện sinh thái của dòng sông và hai bên bờ sông. Đặc biệt, phương án cải tạo này sẽ không làm cống hoá bởi mục đích cải tạo để sông không những để làm dòng chảy thoát nước của thành phố mà còn có chức năng cải thiện khí hậu, là nơi hấp thụ khí bụi thải giúp không khí nội thị được trong lành.

Hà Nội sẽ lấy kinh nghiệm từ nước ngoài

Sau khi nghe các ý kiến trình bày của các ban ngành liên quan, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã đánh giá, phương án hai là khá hoàn chỉnh. Phó chủ tịch đề nghị sở TN&MT cùng các ban ngành liên quan của Hà Nội lấy kinh nghiệm trong xử lý ô nhiễm các dòng sông của một số quốc gia để áp dụng vào sông Tô Lịch.

Theo đó, công nghệ xử lý phải đảm bảo phát huy hiệu quả lâu dài, tránh tình trạng vừa đưa vào hoạt động đã bị lạc hậu. Ông cũng yêu cầu Sở TNMT phải “vẽ được bức tranh” tổng thể về môi trường sông Tô Lịch, phải làm rõ thực trạng hiện nay về xả thải, xác định rõ số lượng, vị trí các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm cho sông Tô Lịch, đặt lộ trình di rời cho các cơ sở nằm trong danh sách di rời.

Ông Vũ Hồng Khanh cũng đặc biệt lưu ý sở TN&MT Hà Nội về việc xử lý 8 doanh nghiệp còn lại trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Đến cuối năm 2009, nếu các doanh nghiệp này không cải thiện chất lượng nước thải thì sẽ bị đóng cửa hoặc xử lý cán bộ.

Theo VNMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất