Ùn tắc cả trong giờ thấp điểm
Ùn
tắc giao thông ở Hà Nội không phải chuyện bây giờ mới nói, nhưng sau
nhiều năm, với nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng các lực lượng chức năng
vẫn chưa thể tìm được giải pháp thực sự hiệu quả cho “vấn nạn” này.
Chiều
22/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên đường Cầu Giấy lúc 17h, dù Sở
GTVT Hà Nội đã cắm biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ nhưng vẫn rất
đông phương tiện ô tô, xe máy lưu thông khiến tuyến đường liên tục xảy
ra ùn tắc. Tuyến đường dài chưa đến 3km này có đến 2 điểm ùn tắc kéo
dài. Đoạn từ ngã tư đường Láng - Cầu Giấy (gần cửa hàng kính mắt Quang
Vinh số 40 Cầu Giấy) xảy ra ùn tắc kéo dài đến số 98 - Shop quần áo thời
trang Daisy. Đây là điểm đang được rào chắn, các phương tiện chỉ có
khoảng 4m đường để lưu thông một chiều.
"Sở
GTVT sẽ tăng cường công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao
thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành và tổ
chức giao thông khoa học, hợp lý, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo
dài quá 30 phút”.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Ngô Mạnh Tuấn
|
Tại
khu vực rào chắn có lực lượng CSTT, an ninh phường phân làn, nhưng do
quá tải nên người dân chỉ có thể nhích từng bước khi đi qua đây, nhất là
trong giờ cao điểm.
Kế đến là đoạn
từ số nhà 224-308 Cầu Giấy hướng ra đường Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu. Theo
tìm hiểu của PV, đây là đoạn đường đã được tháo rào chắn từ Tết Nguyên
đán, đường được trả lại khá rộng rãi nhưng tắc vẫn hoàn tắc.
Sốt
ruột nhích từng bước, chị Bùi Thị Hương, giáo viên trường Tiểu học Cầu
Giấy chia sẻ: “Tuyến đường này hôm nào cũng ùn tắc. Đáng nói, đoạn đường
này lòng đường rộng, đã tháo rào chắn nhưng vẫn tắc, thường xuyên phải
đứng chờ. Thoát được chỗ này thường mất 20-30 phút”.
Là
tuyến huyết mạch dẫn vào trung tâm thành phố, đường Kim Mã (đoạn gần
công viên Thủ Lệ) cũng rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng không kể giờ cao
hay thấp điểm. Tại nút giao Khuất Duy Tiến - đại lộ Thăng Long vào thời
điểm hơn 18h, ùn tắc vẫn xảy ra bất chấp tại đây, hạ tầng giao thông
được cho là khá đầy đủ với hầm chui, hầm đi bộ, đường vành đai 3 trên
cao.
Sáng 23/3, PV ghi nhận tình
trạng ùn tắc tại ngã ba đường Chiến Thắng - Trần Phú (Hà Đông), dù nhà
thầu đường sắt trên cao đã tháo rào chắn toàn tuyến. Lòng đường rộng,
với 3 làn xe, nhưng các phương tiện ô tô chiếm hết làn đường của xe máy.
Các phương tiện xe máy lưu thông buộc phải đi lên vỉa hè, dẫn đến vỉa
hè cũng xảy ra ùn tắc.
Theo tìm
hiểu của PV, đoạn đường này thường xuyên ùn tắc còn có nguyên nhân do
điểm dừng xe buýt cách đầu đường Chiến Thắng quá gần nút giao nên các xe
buýt vào đón khách thường xuyên với tần xuất dày đặc, cứ 2 phút lại có 1
xe buýt đến... dẫn đến đường ùn tắc liên tục trong giờ cao điểm.
Không để ùn tắc quá 30 phút
Trao
đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho
biết, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và phân
luồng giao thông cho phù hợp. Đối với 37 điểm đen ùn tắc, Sở GTVT Hà
Nội đang nghiên cứu từng điểm để điều chỉnh cho phù hợp. Tuỳ từng vị
trí, cơ quan chức năng sẽ quyết định chỉ tổ chức giao thông hay phải cải
tạo hạ tầng và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, tăng cường lực lượng phân
luồng, hướng dẫn giao thông, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công
trình...
Dẫn ví dụ về điểm đen trên
đường Cầu Giấy, ông Tuấn cho biết, Sở GTVT đã khắc phục bằng cách tổ
chức giao thông lại như cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, lắp đặt biển
hướng dẫn các phương tiện đi đường khác để giảm tải cho trục đường này.
Cũng
theo ông Tuấn, Sở GTVT Hà Nội đang đôn đốc các đơn vị, đẩy nhanh tiến
độ thi công các công trình giao thông như dự án đường vành đai 3 dưới
thấp (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long); đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt
đô thị Nhổn - ga Hà Nội; cầu vượt qua nút giao An Dương - Thanh Niên...
“Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ xóa 10 điểm ùn tắc giao thông
trong danh mục các điểm thống kê từ năm 2017 chuyển sang. Đồng thời,
cũng sẽ hạn chế và giải quyết kịp thời các điểm phát sinh ùn tắc mới”,
ông Tuấn nói.
Trao đổi với Báo Giao
thông, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, để giảm ùn
tắc giao thông, không chỉ thực hiện các giải pháp về cơ sở hạ tầng, tổ
chức giao thông mà phải đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc giáo dục
ý thức tham gia giao thông. “Nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản,
Singapore... đường nhỏ hẹp nhưng lại ít xảy ra ùn tắc do ý thức tham gia
giao thông của người dân rất tốt. Người dân ở các nước này được giáo
dục ý thức tham chấp hành luật giao thông từ khi còn rất nhỏ”, TS. Thủy
nói thêm./.
Lê Tươi - atgt.vn