Thứ Năm, 11/12/2014 23:0'(GMT+7)
Hà Nội nỗ lực dẹp "rác trời" hướng tới một thành phố không dây
Việc thanh thải, sắp xếp đường dây cáp đi nổi hay còn gọi "rác trời," "mạng nhện trời" là một trong những nội dung hoạt động quan trọng của nhiều ngành thuộc thành phố Hà Nội trong việc thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị 2014.
Chính từ việc tập trung dọn "rác trời" này đã góp phần làm cho Hà Nội thêm sạch đẹp. Nhiều ngành, lĩnh vực như điện lực, ánh sáng... của thành phố cũng được minh oan do gỡ được những mớ "dây không cùng họ" đu bám từ nhiều năm qua.
"Trăm dâu đổ đầu tằm"
Theo thống kê của ngành điện Thủ đô, hiện tại ở một số quận nội thành vẫn còn tình trạng cột điện đang mang tải phải đeo, gánh hàng chục loại dây khác nhau. Nào là dây truyền hình cáp của nhiều hãng, dây viễn thông, dây mạng Internet...
Mỗi năm, lượng dây treo lên cột điện ngày một nhiều. Chính đám bùi nhùi, “mạng nhện trời” này đã là nguyên nhân gây ra sự cố điện ở một số khu vực trên địa bàn Thủ đô.
Chẳng hạn như trong tháng Tám năm nay, trên địa bàn quận Đống Đa, do chập cháy dây điện thoại đã làm cháy hộp côngtơ đo đếm điện, dẫn đến ngọn lửa bùng phát, gây tiếng nổ, chập cháy dây dẫn điện, làm mất điện một số hộ dân quanh khu vực.
Theo ông Mã Hoài Nam, Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa, sự cố không phải do ngành điện gây ra, nhưng lại phải mang tiếng oan. Người dân chỉ biết cháy dây trên cột điện là gọi điện ngay tới ngành điện.
Một điều cần khẳng định là dây dẫn điện bao giờ cũng ở vị trí cao nhất trên cột, nhưng vì tài sản của mình đang có nguy cơ bị ảnh hưởng cũng như đảm bảo mục tiêu cấp điện oan toàn, liên tục, nên phải vào cuộc chiến đấu với “giặc lửa.”
Nhiều vụ việc chập cháy dây trên cột, mà nguyên nhân chính không phải từ ngành điện, gây thiệt hại rất lớn cho ngành điện nhưng cũng không tìm ra thủ phạm để bắt đền, đành phải ngậm ngùi “móc túi” bỏ kinh phí để tu sửa.
Có một thực tế hiện nay là nhiều cột điện ở Hà Nội có cả mớ dây mắc vào nhưng nhiều dây từ lâu đã không còn sử dụng. Tuy nhiên, chính chủ của mớ "dây chết" đó đã vô tình hoặc cố tình quên không hạ chúng xuống, dẫn đến cột điện phải cõng thêm nhiều dây. Và đám dây ấy ngày càng oằn xuống ám ảnh, "trêu ngươi" người đi đường, làm mất mỹ quan Thủ đô.
Để tự cứu mình, ngành điện Thủ đô đã thực hiện biện pháp kêu gọi sự liên kết, chung tay vào cuộc của các đơn vị liên quan đến mớ dây dợ trên. Tuy nhiên, phần vì sợ mất kinh phí, phần thì coi thường pháp luật nên chẳng mấy đơn vị mặn mà trong việc thực hiện sắp sếp lại đường dây cho đúng quy hoạch. Do đó, cột điện, ngành điện bị oan lại càng ấm ức bởi dây lại được mắc vào cột mỗi ngày một nhiều.
Quyết liệt để "thành phố không dây"
Năm 2014, thành phố Hà Nội lấy là “Năm trật tự văn minh đô thị." Để cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố quyết định thực hiện thanh thải, sắp xếp, bó gọn các dây cáp, dây thông tin… đi nổi trên địa bàn một số quận.
Giai đoạn 1 được tiến hành từ giữa tháng Sáu. Đợt “tiểu phẫu” này được thực hiện tại các tuyến phố như Trần Quang Khải, Xã Đàn, Hoàng Đạo Thúy, Yên Phụ, Quang Trung, Đào Duy Anh...
Kết quả thành phố đã cắt bỏ được 310 cột chiếu sáng cùng 373.420m dây thừa. Sau lần thử nghiệm đó, thành phố Hà Nội ra quân rầm rộ xử lý “rác trời”, “mạng nhện trời” giai đoạn 2 và 3, kéo dài đến hết năm 2014.
Tính đến thời điểm này, toàn thành phố Hà Nội đã thanh thải hơn 1.500km dây thông tin các loại trong tổng số hơn 2.200km cần được thanh thải trên 88 tuyến phố, đảm bảo kế hoạch.
Cùng với ngoài việc thanh thải, sắp xếp, kiểm đếm và bó gọn một số loại dây, thành phố Hà Nội cũng đã hỗ trợ trồng mới cột điện để thay thế, bổ sung các vị trí cột có nguy cơ gây mất an toàn vận hành và mỹ quan đường phố.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc tích cực của các ngành liên quan, công tác thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi trên một số tuyến phố đã thu được kết quả nhất định, được nhân dân Thủ đô đánh giá cao, đảm bảo mỹ quan đô thị, mang lại bộ mặt mới cho Thủ đô.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Sỹ cùng nhìn nhận, dù kết quả đã tích cực, nhưng điều quan trọng vẫn phụ thuộc vào ý thức của một số nhà mạng, cũng như một số doanh nghiệp có đường dây đi nổi, không để nhân viên làm bừa làm ẩu, giăng mắc dây khắp nơi, làm xấu đi hình ảnh của Hà Nội.
Còn ông Hồ Viết Thống, Phó Ban an toàn, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho rằng, đúng là sau khi thanh thải, sắp xếp lại đường dây, ngành điện đã phần nào được giải oan, các cột điện đã đỡ "kẽo kẹt" hơn, an toàn hơn.
Song về lâu dài, ông Hồ Viết Thống kiến nghị, thành phố cần phải có kế hoạch hạ ngầm một số loại dây, trước mắt là hệ thống dây điện. Bởi, khi dây điện được hạ ngầm, cột điện cũng hạn chế trồng trên đất nên các loại dây khác cũng rất “bí” khi không còn được mắc nhờ, do vậy sẽ phải tìm cách “độn thổ” để an toàn hơn.
Trong một thời gian, nhiều tuyến phố Hà Nội đã giảm bớt được các búi dây nhằng nhịt, giăng mắc như thòng lọng. Tuy nhiên, gần đây tình trạng giăng mắc day bừa bão trên các cột điện lại tái diễn do thói quen tùy tiện của một số doanh nghiệp và người dân.
Việc thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi vì thế cần được thành phố làm quyết liệt, có sự hậu kiểm chặt chẽ, để chặt đứt những chiếc dây như "vòi bạch tuộc", nhằm hướng tới một "thành phố không dây"./.
TTXVN