Từ Điềm Mặc, Phú Đình, Đồng Thịnh cho tới Thanh Định, Bảo Linh... dấu ấn của những ngày kháng chiến gian lao mà anh dũng vẫn được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn.
Mỗi lần trở lại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) là mỗi lần chúng tôi được sống trong những ký ức hào hùng của lịch sử.
Từ Điềm Mặc, Phú Đình, Đồng Thịnh cho tới Thanh Định, Bảo Linh... dấu ấn của những ngày kháng chiến gian lao mà anh dũng vẫn được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn.
Đặc biệt, tại xã Định Biên - vùng đất ghi dấu một sự kiện lịch sử, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã được nghe lại câu chuyện về lòng quả cảm của những người lính Cụ Hồ đầu tiên của quân đội anh hùng...
Ký ức hào hùng
Dẫn chúng tôi thăm lại Di tích đình Làng Quặng - Di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, ông Hoàng Luận, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Biên, người sưu tầm, biên soạn cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Định Biên 1945-2010" vẫn còn nhớ như in những ngày tháng lịch sử ấy.
Khi đó, trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước, sự phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, sự lớn mạnh của các đơn vị vũ trang, cuối tháng 4/1945, Trung ương Đảng đã họp tại Bắc Giang, quyết định thống nhất các đội Cứu Quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành một lực lượng vũ trang thống nhất có tên gọi là Việt Nam giải phóng quân để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa.
Và đình Làng Quặng, xã Định Biên được Trung ương Đảng chọn làm nơi diễn ra Lễ hợp nhất các Đội Cứu quốc quân với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Xác định đây là một vinh dự lớn, lực lượng vũ trang phủ Định Hóa và các xã lúc bấy giờ đã tiến hành canh gác cẩn mật tại các tuyến đường từ km số 31 đến Quán Vuông, Quán Vuông đi Quảng Nạp, Chợ Chu đi Chợ Mới, Chợ Chu - Đèo So, Chợ Chu - Đèo Muồng; lập các chốt gác ở Đèo De, đèo Muồng, Đèo Phưởng, Đèo Ải, Đèo Bụt, Nà Mán, Pác Máng...
Đúng 10 giờ ngày 15/5/1945, các đoàn quân đã tiến về Làng Quặng, hội quân tại cánh rừng Thàn Mát, sau đó hành quân xuống đám ruộng Nà Nhậu, trước cửa đình Làng Quặng hành lễ với sự tham gia của hơn 1.000 nghìn người.
Kết thúc buổi lễ, trưởng các đoàn quân đã có cuộc họp kín ngay tại đình Làng Quặng và quyết định cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, đồng chí Trần Đăng Ninh làm Phó Tư lệnh, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chính ủy. Ngay sau khi thành lập, Việt Nam giải phóng quân đã đánh tan cuộc càn quét lớn của hàng nghìn quân Nhật vào khu giải phóng...
Tháng 8/1945, sau khi quân Nhật bại trận, các đơn vị của Việt Nam giải phóng quân, du kích từ căn cứ địa Việt Bắc và các chiến khu khác cùng tiến về các địa phương đánh địch, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng... góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, đem lại độc lập, tư do cho cả dân tộc.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, quân và dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Định Biên cùng các xã lân cận trong vùng ATK Định Hóa được Bác và Trung ương Đảng chọn làm nơi chở che bộ đội và các cơ quan Đảng, Chính phủ.
Ở thôn Thẩm Tắng, xã Định Biên, Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đóng đại bản doanh tại đây từ năm 1950 đến năm 1954. Còn tại thôn Khau Diều, ngày 21/10/1950, Báo Quân đội nhân dân đã in, xuất bản số báo đầu tiên.
Ghi nhận những đóng góp của Định Biên trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã.
Phát huy truyền thống anh hùng
Phát huy truyền thống anh hùng, trong công cuộc đổi mới hôm nay, đồng bào các dân tộc ở Định Biên lại chung sức, đồng lòng thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Là xã thuần nông với gần 700 hộ, hơn 2.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chí... tuy gặp không ít khó khăn do địa hình hiểm trở, hạ tầng cơ sở hạn chế, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (thâm canh lúa), tập quán canh tác của bà con còn mang nặng tính "tự cấp, tự túc" song Định Biên đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, khai thác tiềm năng đất nông lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Cùng với việc phát huy tốt hiệu quả đầu tư của Nhà nước trong việc hoàn thành các tuyến đường liên xã Định Biên - Đồng Thịnh, Phúc Chu - Bảo Linh, xã đã vận động bà con hiến đất để mở đường đến các thôn bản khó khăn như Làng Vẹ, Nà Dọ, Nà To...; đối ứng xây dựng hơn 14 km kênh mương nội đồng, đảm bảo nước tưới sản xuất cả 2 vụ.
Với hơn 340ha đất cấy lúa hàng năm, Định Biên đã chuyển đổi hơn 50% diện tích sang thâm canh giống lúa "Bao Thai Định Hóa" đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, tạo thành vùng chuyên sản xuất lúa đặc sản theo định hướng dự án phát triển sản xuất của chương trình nông thôn mới.
Ngoài cây lúa, bà con các dân tộc ở Định Biên cũng dần chuyển các diện tích đất đồi, đất ruộng cao không chủ động được nước tưới sang thâm canh chè, trồng xen khoai lang, lạc, đỗ tương...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ma Tuấn Khánh Huân cho biết được sự đầu tư có hiệu quả của Nhà nước, Định Biên đã cơ bản có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh với chợ, trường, trạm và gần 20km nội đồng được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường, trên 70% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa...
Tuy số hộ nghèo của xã còn khá cao so với mặt bằng chung của huyện (23%) nhưng xã đang triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo để số hộ nghèo hàng năm giảm khoảng 2%. Ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản ở các thôn bản có truyền thống thâm canh lúa Bao Thai như Làng Quặng, Khau Diều, Đồng Dùng... xã đã hoàn thành việc quy hoạch vùng chăn nuôi theo hướng trang trại tại các bản: Làng Vẹn, Khau Lầu, Đồng Dau...
Tuy không phải là xã điểm của huyện Định Hóa nhưng xã phấn đấu đến hết năm 2014 đạt ít nhất trên 50% tiêu chí xã nông thôn mới.
Để phá thế thuần nông cũng như phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Định Biên mong muốn các Bộ, ngành trung ương và tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo 13 điểm di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp trong xã để kết nối với các xã khác trong vùng ATK Định Hóa - Tân Trào, tạo thành các tour, tuyến du lịch về nguồn, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Rời Định Biên trong chiều đông lạnh, rừng Thàn Mát lịch sử năm xưa nay vẫn xanh một màu đặc trưng của núi rừng Việt Bắc. Một miền núi non yên bình đang dần khởi sắc tạo thêm những dấu ấn khó phai mờ về vùng quê cách mạng anh hùng trong tâm trí mỗi người khi hành hương về ATK Định Hóa./.
Theo TTXVN