Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 7/3/2022 16:2'(GMT+7)

Hà Nội: Nỗ lực xóa tình trạng "trắng" nhà văn hóa trong nội thành

Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Phát triển nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng luôn là sự quan tâm của thành phố Hà Nội nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, khu vực nội thành luôn gặp khó khăn trong việc phát triển thiết chế văn hóa này do không bố trí được quỹ đất, thiếu các công trình có thể chuyển đổi công năng. Đây là vướng mắc lớn nhất đòi hỏi những sáng tạo trong cách làm để giải quyết tình trạng này.

Thiếu quỹ đất xây dựng nhà văn hóa

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 5.406 tổ dân phố, thôn, nhưng mới chỉ có 4.123 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, có 1.537 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Riêng đối với các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân… nhiều địa bàn "trắng" nhà văn hóa.

Nguyên nhân chính là khu vực này đất chật, người đông, thiếu quỹ đất xây dựng. Cũng vì thế, người dân phải sinh hoạt nhờ tại các địa điểm khác như các di tích, trường học, trụ sở các cơ quan, đơn vị. Thậm chí nơi góc phố, sân khu nhà tập thể cũng được tận dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

Phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) có 7 tổ dân phố, với gần 10 nghìn dân, nhưng cả 7 tổ dân phố, chỉ có duy nhất một trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Đây là một toà nhà cũ kỹ tại số 64 đường Yên Phụ, không đủ diện tích, lại thiếu trang thiết bị nên chưa đủ chuẩn để trở thành nhà văn hóa, chỉ có người dân Tổ 1 và Tổ 2 chung nhau sử dụng.

Những khu dân cư khác hiếm khi có mặt, do khoảng cách xa. Người dân thường phải đi mượn địa điểm, đôi khi cả Trạm Y tế phường cũng được dùng tạm làm nơi hội họp, tập luyện văn nghệ.

Tại quận Ba Đình, việc thiếu nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng là thực trạng nhiều năm nay. Toàn quận có 217 tổ dân phố, thì chỉ có 92 nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa có nhà văn hóa.

Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Ba Đình Nguyễn Thị Nhàn cho biết: "Các nhà sinh hoạt đều có diện tích quá nhỏ, thiếu thiết bị. Nhiều nhà diện tích chỉ từ 20-30m2. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa hay trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Việc các tổ dân phố không có, hoặc phải dùng chung trung tâm sinh hoạt cộng đồng là rất phổ biến."

Trong số các quận nội thành, quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là khu vực phố cổ là nơi khó khăn nhất trong việc tìm địa điểm xây dựng nhà văn hóa. Từ nhiều năm nay, bà con trong khu phố cổ chủ yếu sinh hoạt nhờ các di tích hoặc trụ sở các cơ quan, đơn vị.

Cũng chính bởi lẽ đó, các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân bị hạn chế rất nhiều.

Theo chia sẻ của nhiều bà con, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ bị bó hẹp trong những căn nhà thiếu ánh sáng, ngõ vào chật chội nên rất muốn có những không gian sinh hoạt văn hóa chung.

Tuy nhiên, mong mỏi đó cũng rất khó do khu phố cổ đa phần "trắng" nhà văn hóa. Trong khi đó trên địa bàn quận không có quỹ đất, không có đất xen kẹt.

Tìm cách vận dụng sáng tạo

Dù khó khăn trong việc tìm quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng việc đầu tư phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân vẫn đang được các quận quan tâm.

Cuối tháng Hai vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị của từng người dân, từng khu phố, cụm dân cư.

Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên (tính trên tổng số phường, thị trấn trên địa bàn thành phố).

Để đạt chuẩn, thì 100% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Tuy thiếu thiết chế văn hóa cơ sở, nhưng khu vực nội thành lại có nhiều thiết chế văn hóa cấp Trung ương, thành phố, cấp quận cũng như của các cơ quan lớn đóng trên địa bàn. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm là nơi có nhiều cơ quan lớn đóng trụ sở, nhiều thiết chế văn hóa lớn của thành phố, một trong số đó phải kể đến là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô.

Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Thành Tuyên cho biết để "phủ sóng" nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại các quận nội thành cũ là hết sức khó khăn. Nhưng thực tế, các thiết chế văn hóa của Trung ương, thành phố hay cấp quận không phải lúc nào cũng sử dụng hết công suất.

Các cơ quan lớn đều có hội trường, có phương tiện dành cho sinh hoạt văn hóa. Cách khắc phục trước mắt là các địa phương cần phối hợp với các cơ quan.

Song, để các cơ quan, các thiết chế văn hóa cấp trên "mở cửa" cho sinh hoạt văn hóa cơ sở, thì thành phố, hay cấp quận cần xúc tiến xây dựng cơ chế phối hợp. Nếu làm tốt, dân cư nhiều địa bàn sẽ thoát cảnh "trắng" địa điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng như hiện nay.

Hiện tại, các quận, huyện, thị xã đang đề xuất đầu tư xây mới 382 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và nâng cấp, sửa chữa 255 cơ sở; trong đó nhà văn hóa trong khu vực nội thành chiếm số lượng không nhiều.

Trước những khó khăn đó, giải pháp đang được tính đến là chuyển đổi công năng các địa điểm sử dụng không hiệu quả hoặc phối hợp, sử dụng các thiết chế văn hóa của Trung ương, thành phố hay của quận.

Như vậy, tình trạng "trắng" nhà văn hóa sẽ được giảm thiểu, đời sống tinh thần người dân từng bước được nâng lên./.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất