Thứ Sáu, 20/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 12/4/2019 15:21'(GMT+7)

Hà Nội phải là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị.

Sáng 12/4, Đoàn kiểm tra Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đồng chí Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy báo cáo với Đoàn kiểm tra Trung ương kết quả 5 năm triển khai, thực hiện nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thời gian qua, Thành phố chú trọng triển khai các giải pháp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bước đầu đạt hiệu quả; trong đó, năm 2017 đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử (gồm Quy tắc ứng xử nơi cộng cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội); xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.

Giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng phát triển, đã đi vào chiều sâu, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô và con người Hà Nội với bạn bè quốc tế.

Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp. Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở; gắn kết phát triển văn hóa với du lịch đạt kết quả khả quan...

Cấp ủy và chính quyền các cấp của Thành phố luôn nhận thức sâu sắc xây dựng văn hóa và con người Hà Nội vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đã và đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa…

Thành ủy Hà Nội luôn xác định không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo; trong đó, có một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, con người.
 
Việc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình hiện nay được Thành phố thực hiện bài bản, chặt chẽ và đồng bộ từ Thành phố tới cơ sở...

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn Hà Nội.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Thành ủy Hà Nội cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như một số cấp ủy Đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hóa; chưa đặt đúng vị trí nhiệm vụ phát triển văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác. Các thiết chế văn hóa được xây dựng đã lâu, được đầu tư qua các năm, nhưng chủ yếu là sửa chữa nhỏ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển chưa đều, chưa thường xuyên, thiếu quan tâm đến khu vực kinh tế ngoài nhà nước....

Có nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện Nghị quyết số 33 chưa đạt hiệu quả như mong muốn, trong đó có nguyên nhân khách quan là tăng dân số cơ học quá nhanh.

“Hà Nội hiện nay dân số theo hộ khẩu khoảng 8 triệu, nhưng trên thực tế sinh sống trên địa bàn khoảng trên 10 triệu. Trung bình mỗi năm, Hà Nội gia tăng dân số cơ học khoảng trên dưới 2%. Như vậy, mỗi năm tăng thêm khoảng 200 nghìn người, cá biệt như năm 2018 là khoảng 236 nghìn người - quy mô lớn hơn một huyện trung bình ở các tỉnh”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nói.  

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ một số kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết 33 của Thành phố.

Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam phát biểu.

Các đại biểu nêu một số kiến nghị, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chương trình xây dựng công nghiệp văn hóa; việc tuyên truyền cần thực hiện nghiêm túc, bài bản, có chiều sâu. Đồng thời, đề nghị Thủ đô cũng làm rõ hơn một số nội dung về việc: Thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, huy động nguồn lực trong việc tôn tạo di tích; công tác huy động hội nhập quốc tế, xây dựng văn hóa người Hà Nội thông qua hoạt động đối ngoại; vai trò của hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tác động đến xây dựng văn hóa người Hà Nội; sự phối hợp giữa giáo dục và văn hóa trong xây dựng con người Hà Nội; việc xây dựng các thiết chế văn hóa cần phù hợp theo từng khu vực để đạt hiệu quả...

Đồng chí Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị tích cực, chu đáo nội dung, tham luận đóng góp, chỉ ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện Nghị quyết số 33.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhận định, trong những nội dung quan trọng mà Thành ủy Hà Nội đã làm tốt, có việc ban hành và triển khai nhiều đề án, chương trình, quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tố chức lễ hội...; đã thể hiện rõ và xứng đáng với vai trò là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam.

Để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 33 trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Thành ủy Hà Nội cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung: Tập trung chỉ đạo công tác sơ kết Nghị quyết 33; đánh giá cụ thể, nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục một số hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra qua đợt kiểm tra; hoàn thiện báo cáo sơ kết, tổ chức tốt Hội nghị sơ kết; tiếp tục lãnh đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 trên cơ sở tổ chức có hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết này; tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương, giữa các ngành, các cấp, xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; chú trọng vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như vấn đề con người, đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức trong nhà trường...

Toàn cảnh Hội nghị.

Thay mặt Thành ủy Hà Nội, tiếp thu các ý kiến của đoàn kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị các đơn vị liên quan bổ sung, hoàn thiện, cũng như xây dựng mới các văn bản chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung ương.

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô xứng đáng với sứ mệnh lịch sử và vai trò tiêu biểu cho cả nước, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

1) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33, gắn chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết này với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

2) Tăng cường công tác xã hội hóa thu hút đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - xã hội. Quan tâm tạo cơ chế phối hợp và tăng cường ký hợp đồng đầu tư chiều sâu đối với công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật lớn nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá, giới thiệu văn hóa nghệ thuật Thủ đô thông qua xúc tiến văn hóa, du lịch.

3) Tích cực đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội.

4) Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, coi đây là giải pháp trọng tâm để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.../.

Hoàng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất