Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 2/8/2009 22:43'(GMT+7)

Hà Nội sau một năm sáp nhập: Thế mới và lực mới

Cách đây đúng một năm, với sự kiện mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội vươn lên tầm vóc mới với một vị thế mới. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng có không ít băn khoăn lo lắng, bởi bất cứ sự thay đổi nào thì bên cạnh cơ hội bao giờ cũng là những thách thức, cơ hội càng lớn thì thách thức càng nhiều. Một năm đi qua, trong ngổn ngang công việc với muôn nỗi lo toan, bằng sức mạnh của trí tuệ và khối đoàn kết thống nhất, Hà Nội đã từng bước ổn định, tạo ra thế và lực mới để phát triển lên một tầm cao mới.

Công tác cán bộ - Cái gốc của mọi vấn đề

Băn khoăn, lo lắng lớn nhất về Hà Nội sau hợp nhất chưa phải là những vấn đề kinh tế, xã hội, cũng chưa phải là năng lực của cán bộ có đáp ứng yêu cầu mới mà là vấn đề tổ chức nhân sự. Có một điều không ít người nghĩ đến nhưng lại ngại nói ra, đó là tình trạng cục bộ địa phương mỗi khi sáp nhập các đơn vị hành chính. Nhưng, ngay cả đối với vấn đề “nhạy cảm”, “tế nhị này”, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng không hề né tránh. Ông thừa nhận tình trạng cục bộ địa phương không phải là quá hiếm ở một số nơi, nhất là những nơi diễn ra “nhập – tách” và cho rằng, đó là nguyên nhân cơ bản gây mất đoàn kết nội bộ, kéo theo sự trì trệ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng rằng: “Nếu mọi người đừng toan tính lợi ích riêng, phân công, bố trí cán bộ là để cùng nhau đoàn kết, gánh vác việc chung thì không thể xảy ra cục bộ”.

Thực tiễn đã chứng minh suy nghĩ ấy và quyết tâm ấy là hoàn toàn đúng đắn. Sau khi hợp nhất, thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhanh chóng sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ. Với nhận thức, vấn đề nhân sự là nhân tố quyết định hoạt động của một bộ máy, nhất là trong điều kiện mới sáp nhập; là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, thành phố đã khẩn trương sắp xếp, ổn định về nhân sự. Về cơ bản, vấn đề nhân sự không xáo trộng nhiều để bảo đảm sự ổn định, nhanh chóng huy động toàn thể bộ máy và đội ngũ cán bộ vào cuộc, không để ảnh hưởng, làm gián đoạn công việc hàng ngày của nhân dân.

Sau một thời gian vận hành, căn cứ vào năng lực, sở trường của từng cán bộ và nhu cầu công tác, thành phố mới từng bước tiến hành sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp. Ngày 25/12/2008, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch 11-KH/TƯ về công tác luân chuyển, điều đồng cán bộ để tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Sau 3 đợt luân chuyển cán bộ, Thành ủy đã tổ chức phân công công tác, luân chuyển, điều động từ thành phố về cơ sở; 2 đồng chí luân chuyển, điều động từ cơ sở về thành phố; 7 đồng chí luân chuyển, điều động giữa các đơn vị, sở, ban, ngành. Sau khi được luân chuyển, hầu hết cán bộ đã bước đầu tiếp cận với điều kiện, môi trường làm việc mới, phát huy được khả năng công tác và vai trò, trách nhiệm.

Thống nhất cơ chế, chính sách – đảm bảo hiệu quả quản lý

Ngay sau khi hợp nhất, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đảm bảo sự chỉ đạo điều hành tập trung nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội. Thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, các dự án có quy mô lớn để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh, xã hội bức xúc và các chương trình phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thành phố đã đẩy mạnh việc rà soát, hợp nhất, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách đề thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội (mới). Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, UBND thành phố đã rà soát, hợp nhất và ban hành mới 103 văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách. Đây là những căn cứ pháp lý để thành phố và các cấp, các ngành chỉ đạo, triển khai và thống nhất thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, quản lý đô thị, đất đai và quản lý xã hội.

Đặc biệt, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về công tác quy hoạch sau khi mở rộng địa giới hành chính. Đó là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; 31 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Đến nay đã thẩm định và chuẩn bị phê duyệt để cương nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch của 12/31 dự án quy hoạch ngành và 15/17 quy hoạch kinh tế - xã hội.

Vươn lên tầm cao mới

Sau một năm thành phố hoạt động theo địa giới hành chính mới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đánh giá: Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc của một địa phương mới sáp nhập. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, trước mắt từ nay đến cuối năm 2009, thành phố tập trung cao độ mội nỗ lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong đó ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh trong công tác quản lý xây dựng, quản lý trật tự đô thị, quản lý sử dụng đất đai, ngăn chặn kịp thời và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về lấn chiếm, sử dụng đất công sai mục đích. Đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch thực hiện chương trình chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt sẽ chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp về giảm ùn tắc giao thông, tổ chức điều hành, phân luồng lại giao thông tại nhiều tuyến, điểm giao cắt, đẩy mạnh thực hiện các dự án hạ ngầm hệ thống đường dây đi nổi…

Có thể nói, sau một năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hà Nội cơ bản vẫn đạt được các mục tiêu đề ra.

Với quy mô dân số tăng gần gấp đôi, diện tích tăng hơn gấp ba, việc mở rộng địa giới hành chính đã đặt nền móng và tạo tiền đề phát triển cho Thủ đô trong giai đoạn mới./.

(Theo: Tin tức)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất